EU có đang thay đổi chính sách về người tị nạn?

06:30' - 06/03/2022
BNEWS So với cuộc khủng hoảng năm 2015, EU đang thể hiện tinh thần đoàn kết với mức độ hiếm có khi đề cập đến vấn đề người tị nạn Ukraine.

Theo tờ The Local, so với cuộc khủng hoảng năm 2015, Liên minh châu Âu (EU) đang thể hiện tinh thần đoàn kết với mức độ hiếm có khi đề cập đến vấn đề người tị nạn Ukraine. Đức, nền kinh tế lớn nhất EU đang làm gì để chuẩn bị và liệu nước này có thể đối phó với dòng người tị nạn này không?

Những ước tính về số người có thể phải rời khỏi Ukraine trong những ngày này và tuần tới đã được đưa ra so sánh với cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015, khi hàng trăm nghìn người chạy trốn khỏi đất nước Syria bị chiến tranh tàn phá và băng qua Địa Trung Hải để đến châu Âu. Vào thời điểm đó, tình trạng mất đoàn kết ở châu Âu về cuộc khủng hoảng đã khiến cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp nhận hơn 1 triệu người xin tị nạn vào Đức, một quyết định dẫn đến nhiều năm tranh cãi và chỉ trích dữ dội từ phe cực hữu.

Tuy nhiên, lần này, EU dường như hoàn toàn thống nhất trong cách tiếp cận của mình khi tuyên bố rằng người Ukraine nên được trao quyền sống và làm việc ở bất kỳ quốc gia thành viên nào trong ít nhất 3 năm sau cuộc khủng hoảng.

Với việc là một trong số những nước tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn, Đức sẽ phải đảm bảo rằng nước này được chuẩn bị đầy đủ và có thể cung cấp cho người dân một cuộc sống với chất lượng có thể chấp nhận được.

* Có bao nhiêu người tị nạn?

Cho đến nay, Liên hợp quốc (LHQ) ước tính sẽ có hơn 500.000 người buộc phải rời đất nước Ukraine đi sơ tán sau khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang. Trong đó, nhiều người, ước tính khoảng 350.000 người, đã chạy sang nước láng giềng Ba Lan và một số sẽ tiếp tục sang Đức.

Trong bối cảnh hiện nay, đây mới chỉ là một “bức ảnh chụp vội” về số người đã rời khỏi Ukraine trong vòng 5 ngày đầu tiên của cuộc khủng hoảng. LHQ cho rằng sẽ có khoảng 4 triệu người Ukraine mất nhà cửa có thể tìm kiếm nơi lánh nạn ở các nước khác trong bối cảnh căng thẳng leo thang hiện nay.

Quy mô của cuộc khủng hoảng hiện nay đã khiến một số nhà phân tích dự báo về một làn sóng tị nạn lịch sử. Phát biểu với tờ Tagesschau (Đức), ông Wiebke Judith thuộc tổ chức người tị nạn Pro Asyl nói: “EU đang thực sự quay 180 độ với các chính sách nhập cư trước đây của mình. Điều này là do tình hình địa chính trị nói chung, tình đoàn kết đã được thể hiện lớn hơn với các nước láng giềng so với tình hình năm 2015”.

* Có bao nhiêu người đang nhập cảnh vào Đức?

Cho đến nay, số người tị nạn vượt qua biên giới Đức được đánh giá là vừa phải so với dòng người đến  các nước như Ba Lan, Romania, Hungary và Slovakia. Theo DPA, đến nay, khoảng 1.800 người Ukraine đã tới biên giới Đức, trong đó đa số hướng đến các thành phố phía Đông như thủ đô.

Văn phòng quốc gia về các vấn đề người tị nạn cho biết chỉ riêng tại Berlin, đã có khoảng 400 người đến vào cuối tuần qua, song dự đoán sẽ có nhiều người đến hơn những ngày tới.

Hiện tại, không có mục tiêu nào được đặt ra cho việc tiếp nhận người tị nạn và không quốc gia EU nào là láng giềng Ukraine cho đến nay đề nghị Đức tiếp nhận nhiều người tị nạn hơn thế. Phát biểu với truyền hình nhà nước ARD, Bộ trưởng Nội vụ Nancy Fraeser nói: “Đối với chúng tôi, điều quan trọng bây giờ là tìm ra các giải pháp để có thể đưa mọi người đến nơi an toàn một cách nhanh nhất. Vấn đề không phải là việc phân phối, mà là xem chúng ta có thể giúp đỡ các quốc gia láng giềng như thế nào”.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại từ Ba Lan vào Đức, công ty điều hành đường sắt Deutsche Bahn cũng đã thông báo ngày 28/2 rằng sẽ cung cấp dịch vụ đi tàu miễn phí cho bất kỳ công dân hoặc cư dân Ukraine nào đi từ Ba Lan đến Đức. Deutsche Bahn cho biết họ đang làm việc với đường sắt Ba Lan để đưa vào các dịch vụ bổ sung. Điều này sẽ giúp nhiều người tị nạn dễ dàng tiếp tục đến Đức sau khi nhập cảnh vào Ba Lan.

* Những người tị nạn có thể ở lại bao lâu?

Theo quy định hiện nay, công dân Ukraine được phép lưu trú tại bất kỳ quốc gia EU nào trong tối đa 90 ngày và Chính phủ Đức đã xác nhận rằng điều này có thể được gia hạn thêm 90 ngày thông qua đơn xin cấp phép cư trú nếu tình hình ở Ukraine vẫn diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, EU hiện đang xem xét thực hiện những thay đổi sâu rộng để cho phép những người Ukraine sơ tán nhận được quyền cư trú tại các quốc gia thành viên mà không cần quy trình thủ tục tị nạn kéo dài. EU đang cân nhắc việc trao cho Ukraine quy chế đặc biệt theo Chỉ thị Bảo vệ Tạm thời năm 2001, theo đó cho phép những người tị nạn sống và làm việc trong khối trong tối đa 3 năm.

Trong 3 năm đó, người tị nạn sẽ được cấp giấy phép lao động, tiếp cận phúc lợi xã hội, chăm sóc y tế và trong một số trường hợp nhất định, đoàn tụ gia đình. Tuy nhiên, để văn bản trên có hiệu lực, đa số các quốc gia thành viên EU, tức là phải có 15 trong số 27 nước, đại diện cho ít nhất 65% dân số của khối, ủng hộ.

Theo Văn phòng người Di cư và Tị nạn (BAMF), Chính phủ Đức đã phối hợp chặt chẽ với các bang để đảm bảo sự phân bổ đồng đều những người tị nạn đến Đức. BAMF cho biết do các bang hiện đều sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine, giới chức liên bang hiện không cho rằng sẽ xảy ra tình trạng quá tải về chỗ ở.

Các báo cáo mới nhất của chính quyền Berlin cho biết thành phố đang phục hồi cơ sở hạ tầng sau cuộc khủng hoảng di cư từ năm 2015 và 2016 và có thể cho phép tiếp nhận số lượng lớn hơn những người xin tị nạn. Thành phố đã chuẩn bị sẵn 1.300 giường cấp cứu và đang lên kế hoạch bổ sung thêm 1.200 giường nữa trong những ngày tới.

Bộ trưởng Nội vụ bang Brandenburg Michael Stuebgen cho biết tại khu vực biên giới giáp Ba Lan ở Brandenburg, hiện đã có chỗ ở chuẩn bị cho khoảng 10.000 người. Trong khi đó, một số thành phố ở ại bang Nordrhein-Westfalen, như Cologne, Essen và Düsseldorf, cũng bày tỏ sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục