EU có thể bảo vệ doanh nghiệp của họ trước lệnh trừng phạt Iran của Mỹ?

14:50' - 30/08/2018
BNEWS Iran hối thúc EU, bằng uy tín và khả năng của mình, nỗ lực hơn nữa nhằm ngăn cản ý định của Mỹ xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân 2015.
Tập đoàn năng lượng Total của Pháp đã chính thức rút khỏi dự án đầu tư trị giá hàng tỷ USD ở Iran vì lo ngại bị Mỹ trừng phạt. Ảnh: TTXVN phát

Vấn đề duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) là một trong những nội dung được thảo luận tại cuộc họp không chính thức các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) từ 30-31/8 tại thủ đô Vienna của Áo.

EU đang nỗ lực bảo vệ thỏa thuận khi các cuộc thanh sát quốc tế cho tới nay đều cho thấy Iran đã tôn trọng giới hạn làm giàu urani ở mức 3,67% để đổi lại việc nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các lệnh cấm vận đối với Tehran.

Đây có thể coi là một thử thách lớn đối với EU bởi việc không duy trì được thỏa thuận này cũng đồng nghĩa với EU không tự bảo vệ được các doanh nghiệp trước những ảnh hưởng của lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Tehran. Mối đe dọa về các lệnh trừng phạt tiếp theo của Mỹ sẽ mạnh hơn vào tháng 11 tới, nhằm vào các nước mà Washington coi là "vẫn cố tình đầu tư vào Iran".

Sau quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận, EU, với tư cách là nhà bảo trợ, đã có nhiều động thái nhằm cứu vãn tình hình. Hàng loạt cuộc thảo luận, kể cả cấp cao nhất, đã được EU khởi xướng và tiến hành, song châu Âu và Mỹ vẫn chia rẽ sâu sắc về cách thức tiến hành tiếp theo sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận.

EU cũng tuyên bố sẽ bảo vệ các doanh nghiệp của mình hoạt động hợp pháp tại Iran bằng việc kích hoạt "cơ chế phong tỏa" vốn ra đời năm 1996, một biện pháp cho tới nay chưa từng được sử dụng trên thực tế. Về lý thuyết, cơ chế này có thể giúp các công ty châu Âu thoát sự trừng phạt của Mỹ.

Các doanh nghiệp được quyền kiện ra trước tòa của các nước thành viên EU nếu bị phạt, khiến các quyết định trừng phạt đơn phương của Mỹ có thể vô hiệu tại châu Âu.

Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp làm ăn tại Iran. Dự định thành lập một công ty kiểu như mô hình bảo hiểm của Pháp về ngoại thương (Coface) để đảm bảo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (PME) đầu tư ở Iran cũng đã được nêu ra.

Mới đây, Ủy ban châu Âu đã thông qua khoản hỗ trợ đầu tiên trị giá 18 triệu euro cho Iran trong khuôn khổ gói ngân sách lên tới 50 triệu euro nhằm giúp Iran giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội.

Ngoài việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, EU cũng hy vọng đưa ra một tín hiệu chính trị đối với giới lãnh đạo Iran.

Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ đã và đang đơn phương áp đặt "luật chơi" và phần còn lại của thế giới khó lòng kháng cự hiệu quả. Bất kỳ công ty hay quốc gia nào vi phạm lệnh cấm vận sẽ bị Mỹ xử phạt, như ngân hàng BNP Paribas đã trở thành một ví dụ đau đớn khi bị Mỹ phạt 7,6 tỉ euro vì vi phạm cấm vận về giao dịch tài chính.

Một dòng tweet của Tổng thống Trump đã khẳng định: "Ai kinh doanh với người Iran sẽ không được làm ăn với Mỹ".

Ngay cả "cơ chế phong tỏa" tưởng như mang tính răn đe nhưng trên thực tế lại rất khó để thực hiện do nguy cơ dẫn EU tới một "cuộc chiến thực sự" với Mỹ.

Điều này đặt EU vào tình thế khó khăn trong bối cảnh liên minh hiện vẫn đang quá phụ thuộc vào Mỹ để có được an ninh và thịnh vượng. Hơn nữa, không biện pháp nào được EU đưa ra trong trường hợp này có thể có hiệu lực trong vòng 1 năm tới. Đây là lý do tại sao nhiều công ty châu Âu "tháo chạy" khỏi Iran.

Tóm lại, trừ khi quyết định ngừng hoạt động tại Mỹ, các doanh nghiệp châu Âu không có lựa chọn nào khác ngoài việc ngừng làm ăn với Iran và trên thực tế nhiều tập đoàn lớn của châu Âu như Siemens, Daimler, Airbus, Total, PSA, Renault hay Maersk đã đi theo hướng này.

Tình hình cũng tương tự với các ngân hàng khi đối mặt với nguy cơ bị cấm giao dịch với Iran bằng đồng USD, ngay cả khi họ không kinh doanh tại Mỹ. Nói cách khác, các quốc gia châu Âu không có khả năng bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran ở dạng nguyên gốc của nó.

Về phần mình, Iran cũng cố gây áp lực lên EU. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif (Gia-va Da-ríp) khẳng định EU chưa tỏ rõ nỗ lực trong việc cứu thỏa thuận hạt nhân khỏi sự hủy hoại của Mỹ, bất chấp việc châu Âu đã gợi ý nhiều biện pháp nhằm duy trì mối liên hệ với Iran trong các lĩnh vực dầu lửa và tài chính.

Iran cũng hối thúc EU, bằng uy tín và khả năng của mình, nỗ lực hơn nữa nhằm ngăn cản ý định của Mỹ xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân 2015.

Trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Iran Hassan Rouhani mong muốn các nước châu Âu duy trì kết nối các kênh thanh toán ngân hàng, tiếp tục mua dầu cũng như duy trì các mối quan hệ về bảo hiểm, vận chuyển với nước này.

Tổng thống Pháp đã cam kết sẽ bảo toàn thỏa thuận để xoa dịu Teheran. Tuy nhiên, cho tới nay những giải pháp EU áp dụng hầu như chưa đem lại hiệu quả, khiến dư luận lo ngại rằng EU có vẻ "lực bất tòng tâm" trước sức ép từ cả Mỹ và Iran.

Trong khi đó, các quyết định của Washington đẩy kinh tế Iran rơi vào rối loạn. Việc Mỹ rút khỏi JCPOA và tái áp đặt trừng phạt đã làm đồng rial của Iran mất tới một nửa giá trị.

Tình hình đang tiến tới ngưỡng nguy hiểm khi cả Mỹ và Iran đều tỏ ra cứng rắn. Teheran thậm chi hé mở về việc áp dụng các biện pháp quân sự trong khu vực để ngăn chặn dòng dầu xuất khẩu của các nước khác nhằm trả đũa việc Mỹ ngăn chặn họ xuất khẩu dầu.

Washington hiện đang duy trì một hạm đội trong khu vực để bảo vệ các tuyến vận chuyển dầu. Người đứng đầu lực lượng hải quân của Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran, Tướng Alireza Tangsiri tuyên bố họ sẽ kiểm soát toàn bộ vùng Vịnh.

Mặt khác, Mỹ và Iran cũng đối đầu trên mặt trận pháp lý. Ngày 27/8, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đã mở phiên tòa xét xử các tranh cãi pháp lý giữa Iran và Mỹ theo đơn kiện của Tehran, theo đó Washington không có quyền tái áp đặt các biện pháp này và đền bù thiệt hại cho Tehran.

Phía Iran cũng khẳng định Mỹ vi phạm Hiệp ước về quan hệ thân thiện và kinh tế (TAER) ký giữa hai nước từ năm 1955.

Các luật sư của Iran cho rằng trừng phạt của Mỹ đã gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế nước này. Trong khi đó, cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Newstead, người đứng đầu nhóm luật sư đại diện cho Chính phủ Mỹ, khẳng định yêu cầu của phía Iran nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước TAER năm 1955.

Hiện cả EU và Iran đều kêu gọi các bên ký JCPOA thảo luận rộng rãi hơn về chương trình hạt nhân Iran sau 2025, chương trình tên lửa đạn đạo cũng như ảnh hưởng của nước này tại khu vực Trung Đông.

Bài toán khó cho EU hiện nay là làm thế nào để dung hòa các lợi ích chính trị và kinh tế, giữ vững được nguyên tắc đa phương trong chính sách quan hệ quốc tế trước xu hướng đơn cực mà nước Mỹ đang tìm mọi cách áp đặt, trên cơ sở đó tìm ra được một giải pháp khả thi cho vấn đề Iran./.

>>>Iran chờ "đảm bảo" của EU về doanh số bán dầu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục