EU đặt mua hàng trăm triệu liều vaccine của BioNtech/Pfizer

13:45' - 10/09/2020
BNEWS Ủy ban châu Âu (EC) đã kết thúc đàm phán sơ bộ với BioNTech-Pfizer về hợp đồng cung cấp từ 200-300 triệu liều vaccine COVID khi hàng này kết thúc thành công giai đoạn thử nghiệm vào cuối năm nay.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) đã kết thúc đàm phán sơ bộ với hãng dược phẩm BioNTech-Pfizer, liên doanh Đức - Mỹ, về hợp đồng cung cấp từ 200 triệu tới 300 triệu liều vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khi hàng này kết thúc thành công giai đoạn thử nghiệm vaccine cuối cùng, dự kiến vào cuối năm nay.

Trong tuyên bố ngày 9/9, Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen cho biết đây là cơ hội tốt để phát triển và cung cấp một vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả và an toàn cho người dân châu Âu.

Cuối tháng 7, BioNTech-Pfizer đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm quy mô lớn trên 25.000 người trên toàn thế giới. Nếu kết quả thử nghiệm đạt yêu cầu, cuối tháng 10 tới, hãng này sẽ đệ đơn xin cấp phép sản xuất hàng loạt và cung ứng  ra thị trường vaccine phòng COVID-19. Theo đó, hãng sẽ sản suất hàng trăm triệu liều vaccine vào cuối năm nay và dự định sản xuất 1,3 tỷ liều vào cuối năm 2021.

BioNTech-Pfizer trở thành hãng dược phẩm thứ 6 mà EC ký kết hợp đồng mua vaccine phòng COVID-19. Trước đó, EC đã thống nhất với các hãng dược phẩm Sanofi-GSK, Johnson & Johnson, CureVac, Moderna và AstraZeneca.

Tuy nhiên, sáng 9/9, AstraZeneca thông báo tạm ngừng thử nghiệm vaccine của hãng này sau khi một tình nguyện viên xuất hiện những rối loạn chưa rõ nguyên nhân. Bằng việc đa dạng các đối tác thông qua việc chi trả một phần rủi ro về đầu tư và hỗ trợ năng lực sản xuất cho các hãng dược, EU đã gia tăng cơ hội được ưu tiên sớm có được vaccine phòng COVID-19.

Trước đó, Mỹ đã chi 1,95 tỷ USD để đặt mua 100 triệu liều vaccine của BioNtech/Pfizer. Nhật Bản cũng đã ký kết một thỏa thuận với liên danh này để có được 120 triệu liều vaccine.

Cùng ngày, Thống đốc bang Sao Paolo của Brazil, ông Joao Doria cho biết, vaccine phòng COVID-19 do Trung Quốc sản xuất và đang được thử nghiệm tại nước này đã có kết quả tích cực, mở ra triển vọng sớm có vaccine và tiêm phòng mở rộng cho người dân vào đầu tháng 12 tới.

Sao Paolo là bang tâm dịch của Brazil và là  1 trong 6 bang đang được thử nghiệm vaccine CoronaVac do công ty dược phẩm Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, 98% bệnh nhân trên 60 tuổi không có những phản ứng tiêu cực. Sinovac liên kết với Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng Brazil thuộc Viện Butatan và đang tiến hành giai đoạn 3 thử nghiệm vaccine CoronaVac. Nếu kết quả thử nghiệm đạt yêu cầu, Butatan sẽ sản xuất 120 triệu liều vaccine.

Ngày 9/9, công ty dược phẩm Dasa của Brazil và hãng sản xuất dược phẩm của Mỹ COVAXX đã nhất trí tiến hành thử nghiệm giai đoạn 2 và 3 vaccine ngừa COVID-19 với 3.000 tình nguyện viên tại quốc gia Mỹ Latinh này.

 Chính phủ Brazil cũng đã chi 360 triệu USD đặt mua vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng do Đại học Oxford của Anh và hãng dược phẩm AstraZeneca phát triển.

Hiện Brazil là nước đi đầu trong chương trình thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng. Nước này hiện ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao thứ 3 thế giới (4,19 triệu ca), sau Mỹ (6,54 triệu ca) và Ấn Độ (4,37 triệu ca)./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục