EU đạt thỏa thuận tạm thời về nhập khẩu nông sản Ukraine

07:30' - 21/03/2024
BNEWS Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận tạm thời về việc cho phép các nhà sản xuất thực phẩm Ukraine xuất khẩu miễn thuế vào thị trường của EU cho đến tháng 6/2025.

Ngày 20/3, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận tạm thời về việc cho phép các nhà sản xuất thực phẩm Ukraine xuất khẩu miễn thuế vào thị trường của EU cho đến tháng 6/2025, mặc dù có những giới hạn mới đối với việc nhập khẩu ngũ cốc.

 

Các nhà đàm phán của Nghị viện châu Âu (EP) và Bỉ - nước Chủ tịch luân phiên EU đã nhất trí bổ sung các mặt hàng yến mạch, ngô, ngũ cốc và mật ong vào danh sách, đồng thời giữ giới hạn ở mức nhập khẩu trung bình của năm 2022 và 2023. Họ cũng bổ sung cam kết của EC giám sát việc nhập khẩu lúa mì và các loại ngũ cốc khác của Ukraine và sẽ có hành động nếu các sản phẩm này làm lũng đoạn thị trường EU.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal hoan nghênh động thái của EU, khẳng định rằng thỏa thuận sẽ cho phép Ukraine hỗ trợ các nhà sản xuất của nước này và duy trì xuất khẩu. Ông Shmyhal hy vọng các thỏa thuận sẽ được EP phê chuẩn vào tháng tới.

Trước đó, vào tháng 1, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất miễn thuế và hạn ngạch đối với nông sản Ukraine thêm 1 năm, đồng thời áp dụng cơ chế “phanh khẩn cấp” đối với các mặt hàng gia cầm, trứng và đường, tức là sẽ áp thuế nếu nhập khẩu vượt quá mức trung bình của năm 2022 và 2023.

Tuy nhiên, sau nhiều tháng nông dân phản đối liên quan các quy định về môi trường và hàng nhập khẩu giá rẻ, các nhà lập pháp EU đã thúc đẩy mở rộng áp dụng cơ chế khẩn cấp đối với các mặt hàng nông sản khác và chọn năm 2021 làm năm tham chiếu.

Sau khi cuộc xung đột tại Ukraine cản trở hoạt động xuất khẩu qua tuyến Biển Đen truyền thống, ngũ cốc giá rẻ của Ukraine tràn ngập thị trường EU khiến sản phẩm của các hộ nông dân nhiều nước trong khu vực này khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Các nước EU láng giềng của Ukraine như Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia phàn nàn rằng việc nhập khẩu nông sản khiến các nhà sản xuất trong nước bất bình, dẫn đến các cuộc biểu tình của nông dân và lệnh cấm nhập khẩu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục