EU đạt thỏa thuận về ràng buộc mục tiêu nhiên liệu xanh cho ngành hàng không

16:26' - 26/04/2023
BNEWS Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận đặt ra mục tiêu ràng buộc cho các hãng hàng không ở khu vực về tăng cường sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).
Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận đặt ra mục tiêu ràng buộc cho các hãng hàng không ở khu vực về tăng cường sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), nhằm nỗ lực khởi động thị trường nhiên liệu xanh và cắt giảm lượng khí thải carbon của ngành này.

Sau các cuộc đàm phán kéo dìa, các nhà đàm phán từ Nghị viện châu Âu cùng các quốc gia thành viên EU đã đạt được thỏa thuận ngay trước nửa đêm ngày thứ Ba (25/4 theo giờ địa phương).

Theo đó, đề xuất đặt ra các mục tiêu ràng buộc đối với các nhà cung cấp nhiên liệu hàng không, yêu cầu họ đảm bảo rằng tất cả nhiên liệu cung cấp cho các hãng hàng không EU đều chứa một phần SAF tối thiểu từ năm 2025, với mục tiêu tăng dần đến năm 2050.

Cụ thể, đề xuất yêu cầu ít nhất 2% nhiên liệu hàng không phải là SAF vào năm 2025, rồi tăng lên 6% vào năm 2030, 20% vào năm 2035 và tiếp tục tăng dần sau mỗi 5 năm để đạt ngưỡng 70% vào năm 2050.

Đề xuất này nhằm mục đích tăng cả nhu cầu lẫn nguồn cung cấp SAF, loại nhiên liệu có lượng khí thải CO2 bằng không hoặc rất thấp. Hiện tại, sản lượng của những nhiên liệu này vẫn rất nhỏ và giá đắt hơn nhiều so với nhiên liệu hóa thạch thông thường.

Dự kiến, các hãng hàng không sẽ nhận được khoảng 2 tỷ euro (2,2 tỷ USD) tài trợ từ thị trường carbon của EU để giúp họ chuyển sang SAF.

Từ năm 2030, EU cũng áp dụng các mục tiêu ràng buộc về tỷ lệ sử dụng tối thiểu nhiên liệu tổng hợp – từ 1,2% cho năm 2030 rồi tăng lên 35% vào năm 2050. Nhiên liệu tổng hợp được tạo ra bằng cách sử dụng khí thải CO2 thu được. Đề xuất nói rằng yêu cầu này cân bằng lượng CO2 thải ra khi nhiên liệu được đốt cháy trong động cơ.

Nhiên liệu sinh học cũng có thể được tính vào các mục tiêu chính về tăng cường sử dụng SAF, miễn là chúng tuân thủ các tiêu chí bền vững về sinh khối của EU. Hydro carbon thấp được sản xuất từ năng lượng hạt nhân cũng đủ điều kiện - một chiến thắng cho các quốc gia như Pháp với phần lớn năng lượng đến từ nguồn điện nguyên tử.

Các quốc gia EU và Nghị viện châu Âu vẫn cần phải phê duyệt thỏa thuận này trước khi nó có thể được thông qua thành luật. Quá trình đó thường là một thủ tục phê duyệt các thỏa thuận đạt được từ trước mà không có nhiều thay đổi.

Hàng không được coi là một trong những lĩnh vực khó khử carbon nhất, với máy bay không khí thải chưa thể trở thành hiện thực trong vòng một thập kỷ tới. Trong tương lai gần, nhiên liệu bền vững là một trong số ít các lựa chọn để giảm lượng khí thải carbon của hoạt động du lịch đường không./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục