EU: Năng lượng hạt nhân và khí đốt tự nhiên sẽ là nguồn năng lượng xanh

12:16' - 02/01/2022
BNEWS Kế hoạch trên sẽ đẩy nhanh quá trình loại bỏ các loại năng lượng độc hại hơn, như than đá và xây dựng cho EU một hệ thống năng lượng xanh hơn.
Liên minh châu Âu (EU) đang có kế hoạch coi năng lượng hạt nhân và khí đốt tự nhiên là những nguồn năng lượng "xanh" để đầu tư bất chấp những tranh cãi nội khối về việc liệu những năng lượng này có thực sự là lựa chọn bền vững hay không.

Đề xuất trên nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi của của 27 quốc gia thành viên EU hướng tới một tương lai trung hòa carbon và thể hiện uy tín của khối này như một khu vực có bộ tiêu chuẩn toàn cầu để chống lại biến đổi khí hậu.

Ủy ban châu Âu (EC) đã chuyển văn bản về đề xuất trên cho các quốc gia thành viên vào những giờ cuối cùng của năm 2021, sau những hứa hẹn bị trì hoãn hồi đầu năm. Điều này cho thấy con đường khó khăn của EU trong việc soạn thảo văn bản.

Nếu nhận được sự ủng hộ của đa số các quốc gia thành viên, văn bản sẽ trở thành luật của EU và có hiệu lực từ năm 2023. Ngày 1/1, EC xác nhận đã bắt đầu tham vấn với các quốc gia thành viên về đề xuất liên quan đến năng lượng hạt nhân và khí đốt.

 
Theo EC, kế hoạch trên sẽ đẩy nhanh quá trình loại bỏ các loại năng lượng độc hại hơn, như than đá và xây dựng cho EU một hệ thống năng lượng xanh hơn. Cơ quan này nhấn mạnh khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân đóng vai trò như một giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi hướng tới một tương lai chủ yếu dựa vào năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Đức Steffi Lemke mới đây phát biểu rằng khí đốt và hạt nhân sẽ là một sai lầm, đồng thời cảnh báo năng lượng nguyên tử có thể dẫn đến thảm họa môi trường tàn khốc. Bộ trưởng Môi trường Áo Leonore Gewessler cũng chỉ trích năng lượng hạt nhân là năng lượng của quá khứ và quá đắt cũng như quá chậm để chống lại biến đổi khí hậu.

Các quốc gia thành viên và các chuyên gia có hai tuần để sửa đổi đề xuất trước khi bản dự thảo cuối cùng được công bố vào giữa tháng Giêng. Nghị viện châu Âu sau đó sẽ có bốn tháng để thông qua hoặc bác bỏ kế hoạch bằng một cuộc bỏ phiếu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục