EU tìm kiếm các thoả thuận thương mại mới

05:30' - 08/05/2025
BNEWS Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy mạnh nỗ lực đàm phán các hiệp định thương mại mới với nhiều nước và khu vực trên thế giới.
Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Sáng kiến Cổng Thông tin Toàn cầu (Global Gateway), chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu của EU, đóng vai trò then chốt trong quá trình này. Hiện sáng kiến được giao cho Ủy viên châu Âu về Quan hệ đối tác quốc tế, ông Jozef Sikela, giám sát. Ngoài trọng tâm là thương mại, Global Gateway còn mở rộng sang các lĩnh vực kinh tế khác như số hóa, viễn thông, khai thác và chế biến khoáng sản.

Ông Sikela nhận định: “Trật tự toàn cầu đang thay đổi sâu sắc hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ Thế chiến thứ hai”. Ông chỉ ra rằng nhiều liên minh mới đang hình thành, và sự ủng hộ cho hội nhập châu Âu trong EU cũng ngày càng gia tăng. Ông nhấn mạnh: “Giữa lằn ranh bất ổn, châu Âu vẫn kiên định, giữ vững các giá trị cốt lõi và sẵn sàng góp phần định hình tương lai”.

Một minh chứng rõ nét là hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa EU và Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) ở Mỹ Latinh, được đàm phán trong hai thập kỷ và được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) ký kết vào cuối năm ngoái. Ban đầu, Pháp phản đối mạnh mẽ hiệp định này, khiến khả năng phê chuẩn tại Quốc hội Pháp gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, gần đây, Pháp dường như đang âm thầm thay đổi lập trường, cùng với Áo và một số quốc gia khác. Tại Brussels, nhiều ý kiến kỳ vọng các nước thành viên EU sẽ phê duyệt hiệp định này vào mùa Thu năm nay.

Hiện tại, EU đã thiết lập các hiệp định thương mại với Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Việt Nam và New Zealand. Các cuộc đàm phán đang được xúc tiến để đạt thỏa thuận đôi bên cùng có lợi với Australia, Malaysia và Philippines. Đồng thời, EC đã nối lại các cuộc thương thảo đầy tham vọng với Ấn Độ – quốc gia đông dân nhất thế giới và Indonesia – quốc gia đông dân thứ tư thế giới, cùng một số nước khác. EU nhận thức rõ rằng 37% hàng nhập khẩu của khối này đến từ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và 25% hàng xuất khẩu được chuyển ngược lại.

Tuy nhiên, quá trình này không hề đơn giản. Hầu hết các quốc gia đều nỗ lực giữ kênh đối thoại mở để khôi phục quan hệ thương mại với Mỹ, trong khi EU đặt ra nhiều điều kiện mới. EC buộc phải nhượng bộ một số yêu cầu gây khó khăn cho những đối tác, làm phức tạp hóa các cuộc đàm phán.

Các quốc gia đang phát triển ngày càng ý thức được giá trị của mình và nhận thấy EU cần họ hơn bao giờ hết. Do đó, các nhà đàm phán châu Âu cần linh hoạt hơn trong việc thiết lập những quy tắc và tiêu chuẩn. Các chính sách như thuế carbon hay quy định xuất xứ khó có thể áp dụng cứng nhắc cho mọi hoạt động thương mại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục