EU tỏ rõ thái độ "cứng rắn" với nước Anh hậu Brexit

11:41' - 30/06/2016
BNEWS Các nhà lãnh đạo EU ngày 29/6 đã nhất trí rằng Anh không thể tiếp cận thị trường chung EU sau khi rời khỏi "ngôi nhà chung" mà không chấp nhận các quy tắc về dịch chuyển tự do của khối.
EU tỏ rõ thái độ "cứng rắn" với nước Anh hậu Brexit. Ảnh: AFP/TTXVN

EU cảnh báo London phải chấp nhập người di cư của EU để được tiếp cận khu vực thương mại tự do của khối này.

Phát biểu sau cuộc họp của 27 nhà lãnh đạo EU không có sự tham dự của Thủ tướng Anh David Cameron, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định: “Sẽ không có sự tự chọn về thị trường chung và việc tiếp cận thị trường chung đòi hỏi sự chấp thuận tất cả bốn nguyên tắc tự do bao gồm cả tự do dịch chuyển”.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cũng khẳng định Anh chỉ được tiếp cận thị trường duy nhất của EU sau khi đã rời khỏi liên minh thông qua bốn quyền tự do cơ bản của châu Âu là tự do đi lại, vốn, dịch vụ và hàng hóa.

Chủ tịch EC cho biết đã gửi thông điệp tới Vương quốc Anh rằng quốc gia này không có quyền tiếp cận thị trường nội địa của EU theo ý muốn.

Chủ tịch Donald Tusk nhấn mạnh việc Anh rời khỏi EU cần phải tiến hành một cách có tổ chức như quy định trong điều 50 Hiệp ước Lisbon về EU. Ông Tusk cũng nhắc lại EU không tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào trước khi Anh chính thức đệ đơn xin rời EU.

Trong khi đó, Thủ tướng David Cameron vẫn kiên quyết muốn đẩy trách nhiệm này cho người kế nhiệm của ông mà danh tính sẽ biết vào ngày 9/9 tới.

Theo kế hoạch, 27 nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh – mà không có sự tham dự của Anh – tại thủ đô Bratislava, Slovakia vào ngày 16/9 tới để bàn về tương lai của liên minh thời kỳ hậu Brexit (Anh ra khỏi EU).

Cùng ngày, phát biểu trong phiên chất vấn tại Quốc hội Anh, Thủ tướng David Cameron cảnh báo nước Anh sẽ đối mặt với thời kỳ kinh tế khó khăn sau khi đa số cử tri nước này bỏ phiếu ủng hộ rời EU hồi tuần trước, song nhấn mạnh rằng chính phủ sẽ không bãi bỏ những quy định giới hạn chi tiêu công.

Trong khi đó, liên quan đến vấn đề Brexit, giới chức Liên minh châu Âu bày tỏ chia sẻ với quyết tâm của Scotland ở lại EU bất chấp việc đa số cử tri Vương quốc Anh đã bỏ phiếu ủng hộ rời liên minh này hồi tuần trước, song nghi ngờ về một khả năng như vậy.

Ngày 29/6, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon đã có hàng loạt cuộc gặp với giới chức EU tại Brussels, bao gồm cả Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz, nhằm vận động cho việc Scotland vẫn ở lại liên minh. Tuy vậy, giới chức EU cho rằng điều này khó xảy ra.

Lo ngại về chủ nghĩa ly khai, các nước thành viên EU như Tây Ban Nha, Vương quốc Bỉ và một số nước khác sẽ phản đối bất cứ kế hoạch nào tiếp tục tư cách thành viên EU của Scotland hay cho phép xứ thuộc Vương quốc Anh này hưởng một quy chế đặc biệt.

Một số nước khác thông cảm với Scotland song không nhìn thấy cách nào phá vỡ quy tắc hiện nay bởi EU là một "liên minh của các quốc gia thành viên".

Nhiều nhà ngoại giao EU cho rằng để trở thành một phần của EU, Scotland chỉ có cách duy nhất là trở thành một quốc gia độc lập và xin tái gia nhập EU trong một tiến trình ước tính kéo dài từ 5 đến 7 năm. Tất cả các nước EU đều có quyền phủ quyết thành viên mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục