EURO 2024: Kinh tế Đức không mong đợi câu chuyện cổ tích mùa Hè

05:30' - 12/06/2024
BNEWS Viện Nghiên cứu Kinh tế Leibniz Halle (IWH) cho rằng kinh tế Đức không thể đặt nhiều hy vọng vào động lực tăng trưởng mà EURO 2024 có thể mang lại và khó có một câu chuyện cổ tích mùa Hè xuất hiện.

Kinh tế Đức vẫn nuôi hy vọng sẽ có một câu chuyện cổ tích mùa Hè nhờ đăng cai tổ chức Giải vô địch bóng đá châu Âu – EURO 2024. Tuy nhiên, kết quả phân tích của Viện Nghiên cứu Kinh tế Leibniz Halle (IWH) cho thấy kinh tế Đức không thể đặt nhiều hy vọng vào động lực tăng trưởng mà EURO 2024 có thể mang lại, vì dự kiến sẽ không có bất cứ tác động kinh tế vĩ mô liên quan nào.

Theo phân tích, sau Vòng chung kết Cúp bóng đá thế giới (World Cup) được tổ chức vào năm 2006 ở Đức, nền kinh tế nước này không ghi nhận tăng trưởng. Và lần này cũng vậy, IWH dự kiến EURO 2024 cũng sẽ có tác động yếu ớt tương tự đến nền kinh tế.

Chỉ có một thực tế là người hâm mộ bóng đá các nước đổ đến Đức sẽ có tác động tích cực đến tiêu dùng. IWH dự kiến có khoảng 650.000 du khách nước ngoài đến Đức để xem bóng đá. Ngoài ra, còn có nhiều người khác đến Đức để xem các buổi phát sóng công cộng do không có vé.

Tuy nhiên, giải đấu cũng đưa đến những hiệu ứng dịch chuyển khác, như nhiều du khách bình thường lại tránh xa nước Đức trong thời gian diễn ra giải đấu do giá phòng khách sạn quá cao. Các nhà nghiên cứu của IWH chỉ ra rằng ngay cả du khách trong nước cũng không giúp ích cho nền kinh tế vì “họ không nhất thiết phải chi tiêu nhiều hơn mà có thể cắt giảm các chi phí khác để dành tiền mua vé xem bóng đá”.

Tạp chí kinh tế Handelsblatt đã nghiên cứu sức hút kinh tế của quả bóng tròn trong bảy lĩnh vực: Kết quả là ngành khách sạn thất vọng với lượng đặt phòng thấp và các nhà bán lẻ cũng không mong đợi có thêm doanh thu.

Có le lói hy vọng rằng đội tuyển bóng đá Đức đang lấy lại phong độ tốt hơn có thể khiến “câu chuyện cổ tích mùa Hè” lặp lại. World Cup 2006 ở Đức đã đi vào lịch sử dưới tên gọi này. Mặc dù tình hình kinh tế lúc đó cũng yếu kém tương tự như tình hình hiện nay, nhưng giải đấu đã tạo được niềm hưng phấn vượt cả ra ngoài biên giới Đức.

Mặc dù giải đấu đã giúp nâng cao tinh thần nhưng nó cũng không kích thích được nền kinh tế. Theo nhà nghiên cứu Holtemöller của IWH, các giải đấu bóng đá quan trọng là những sự kiện xã hội lớn, “tuy nhiên, xét về mặt nền kinh tế vĩ mô, chúng ít quan trọng đối với các nền kinh tế lớn”.

Ngành khách sạn: Cơn sốt người hâm mộ không thành hiện thực

Cách đây một tháng, người hâm mộ bóng đá có thể phải chi 505 euro (543,76 USD) để đặt một đêm nghỉ tại chuỗi khách sạn B&B bình dân ở Ga Trung tâm Munich (München) nếu họ từ xa đến xem trận khai mạc EURO 2024 giữa Đức và Scotland vào ngày 14/6. Nay thì giá phòng chỉ còn 369 euro/đêm.

Việc điều chỉnh giá có lẽ là do nhu cầu yếu. Ít nhất 258 khách sạn ở Munich hiện vẫn còn phòng trống đang chào bán cho khách đến xem trận khai mạc ở trên nền tảng đặt phòng Booking.com, 93 trong số đó có giá đặc biệt.

Ngay cả vào ngày diễn ra trận chung kết ở Berlin 14/7, khoảng 1/5 tổng số khách sạn ở thủ đô vẫn còn trống. Lý do cũng là vì giá cả, Khách sạn Marriott chào giá gần 2.000 euro cho một đêm.

Các chủ khách sạn có thể vẫn còn “mơ mộng” và đặt giá quá xa hoa. Vào ngày diễn ra trận đấu đầu tiên của EURO 24 ở Cologne (Köln) hôm 15/6, 21% số khách sạn ở thành phố này vẫn còn trống, và hai ngày sau, khi giải đấu chuyển đến Düsseldorf, vẫn còn đến 23% số phòng khách sạn.

 
Ông Jörg Böckeler, người đứng đầu chuỗi khách sạn Dorint xuất xứ từ Cologne và hiện có 65 khách sạn ở các quốc gia nói tiếng Đức, cho rằng nhu cầu rất đáng thất vọng. “Ngoại trừ Munich là nơi diễn ra trận khai mạc, còn lại ở các nơi khác, tỷ lệ đặt phòng trước trong các khách sạn của chúng tôi vẫn ở mức thấp, tương tự như nhiều đối thủ khác”, ông nói.

Theo khảo sát của hiệp hội ngành khách sạn Dehoga, chỉ có 46% chủ khách sạn hy vọng vào những tác động tích cực mà EURO 2024 mang lại, còn đến 1/3 lo ngại sẽ không có thêm doanh thu. Hiện tại, ngành khách sạn chỉ còn trông chờ vào lượt đặt phòng vào phút chót để biến “mùa Hè sụt giảm” thành “câu chuyện cổ tích mùa Hè”.

Mặc dù vậy, Viện nghiên cứu IWH vẫn dự báo hiệu ứng lớn nhất mà giải đấu bóng đá mang lại sẽ là cho ngành khách sạn và nhà hàng, với khoảng 250 triệu euro doanh thu tăng thêm.

Thương mại: Người dân dường như không muốn chi tiêu nhiều hơn

Hiệp hội thương mại Đức (HDE) kỳ vọng doanh số bán hàng tăng thêm 3,8 tỷ euro - và do đó có tác động mạnh mẽ hơn so với kỳ World Cup mà Đức đăng cai năm 2006. Trong khi đó, ông Kai Hudetz, Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu bán lẻ IFH Cologne, cho biết: “Tôi không chắc liệu EURO 2024 có thúc đẩy hoạt động bán lẻ hay không”.

Một cuộc khảo sát đại diện do Civey thực hiện cho Handelsblatt cũng cho thấy sự miễn cưỡng của người tiêu dùng: 91% không muốn chi tiêu nhiều hơn để mua sắm hoặc đi ăn nhà hàng trong thời gian diễn ra giải đấu.

Thông thường, chỉ có một số sản phẩm riêng lẻ được hưởng lợi từ các sự kiện bóng đá lớn. Doanh số bán các loại đồ ăn nhẹ đã từng tăng 7% trong giải đấu trước; EURO 2024 cũng có thể tiếp thêm sinh lực cho thị trường đồ uống. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ đồ điện tử lại có thể không thu lợi được vì nhiều người tiêu dùng đã mua TV và máy chiếu màn hình lớn trong thời kỳ đại dịch.

Doanh số bán các mặt hàng dành cho người hâm mộ cũng không mang lại nhiều lợi nhuận cho các nhà bán lẻ. Ngay cả thẻ sưu tầm có chân dung các cầu thủ cũng được mua đi bán lại trên nền tảng Restposten.de với giá rẻ. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng mang tính thời vụ sẽ không thể bán được khi giải đấu kết thúc.

Vì giải đấu được tổ chức trên sân nhà nên chuỗi siêu thị Đức Lidl lần đầu tiên tài trợ cho EURO 2024. Tuy nhiên, việc tài trợ khó có thể dẫn đến tăng doanh số bán hàng vì Lidl không có kế hoạch tổ chức các chương trình bán hàng lớn tại các cửa hàng của mình, mà sẽ tặng 10.000 vé xem bóng đá thông qua ứng dụng mua sắm trực tuyến. Lidl đang tập trung vào quảng cáo hình ảnh tại các khu vực dành cho người hâm mộ gần các sân vận động.

Nhà bán lẻ đồ thể thao có cơ hội tăng trưởng

Các nhà phân tích tại ngân hàng tư nhân Oddo BHF ước tính rằng các công ty sản xuất đồ thể thao Adidas và Puma có thể hy vọng doanh số bán hàng sẽ tăng thêm từ 2% đến 3% nhờ EURO 2024. Trước giải đấu, nhiều người hâm mộ mua áo đấu của đội mình, còn sau giải đấu thì áo của đội chiến thắng sẽ bán chạy.

Tổng giám đốc Adidas, Björn Gulden, cho biết không thể lượng hoá được hiệu ứng của EURO vì có quá nhiều biến số, từ thời tiết đến diễn biến giải đấu của sáu đội mặc trang phục của Adidas như Đức, Italy, Tây Ban Nha hay Hungary. Nhưng ông “rất, rất vui” vì nhu cầu đang tiếp tục tăng hàng tuần.

Ở Đức, nhu cầu mua áo đấu sân khách màu hồng pha tím cũng tương đương như áo đấu sân nhà truyền thống. Với tâm trạng tích cực, Adidas gần đây đã tăng dự báo cho năm nay.

Puma cũng đang trang bị áo đấu cho bốn đội, trong đó có Áo và Thụy Sĩ. Hãng sản xuất đồ thể thao lớn thứ ba thế giới cho hay: “Giải đấu góp phần nâng cao khả năng hiện diện và sức hấp dẫn cho thương hiệu Puma”.

Lòng tin kinh doanh của các công ty bán đồ thể thao cũng được cải thiện đáng kể sau những chiến thắng gần đây của đội tuyển bóng đá Đức. Ông Alexander von Preen, người đứng đầu Intersport Đức cho biết: “Cơ hội có được câu chuyện cổ tích mùa Hè mới đã tăng lên. Có lúc chúng tôi đã bán hết áo đấu”.

Ngành sản xuất bia hy vọng sự bùng nổ doanh số 

Hiệp hội các nhà sản xuất bia Đức (DBB) tuyên bố: “Bia và bóng đá thuộc về nhau”. Trong một giải đấu lớn, mọi người uống nhiều bia hơn bình thường vào mùa Hè. Năm 2006, trong dịp Đức đăng cai World Cup, lượng bia được bán ra trước và trong giải tăng thêm 5%.

Ngành sản xuất bia của Đức đang rất cần tăng doanh số vì người Đức ngày càng uống ít bia hơn. Theo Văn phòng Thống kê Liên bang, doanh số bán bia đã giảm 4,3% xuống còn 6,9 tỷ lít trong năm 2023. Giám đốc điều hành DBB Holger Eichele cho rằng 2023 là một “năm cực kỳ đen đủi”.

Hãng bia Bitburger đang đánh cược vào EURO 2024. Đây là hãng bia duy nhất được phép bán tại các sân vận động và khu vực dành cho người hâm mộ chính thức tại 10 thành phố đăng cai giải đấu. Ông Sebastian Holtz, Giám đốc Bán hàng và Tiếp thị của Bitburger, cho biết: “Là đối tác bia quốc gia độc quyền của EURO 2024, chúng tôi mong đợi những động lực tích cực cho toàn bộ thị trường bia Đức”.

Theo các nhà quan sát, Bitburger có thể kỳ vọng doanh số tăng thêm ít nhất 1,3 triệu lít bia chỉ riêng tại các sân vận động. Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) dự kiến sẽ có 2,7 triệu lượt du khách và mỗi khách đến sân vận động uống trung bình nửa lít bia trong một trận đấu ở giải Bundesliga. Ngoài ra còn có hàng triệu người yêu bóng đá “khát bia” trong khu vực dành cho người hâm mộ.

Mặc dù vậy, tập đoàn sản xuất bia lớn nhất nước Đức Radeberger nhận thức được rằng bốn tuần, kể cả trong điều kiện lý tưởng, cũng sẽ không thể đảo ngược được tình hình kinh doanh cả năm.

Ngành nhà hàng kỳ vọng vào EURO 2024 

Nhiều người hâm mộ bóng đá có thể sẽ uống thêm một, hai cốc bia trong khi theo dõi trận đấu nhưng chưa chắc họ đã ăn nhiều hơn. Theo một khảo sát của hiệp hội nhà hàng, chỉ 15,5% tổng số doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng mong đợi những động lực tích cực từ EURO 2024.

Ngay cả “gã khổng lồ” thức ăn nhanh McDonald's cũng chỉ hy vọng vào những hiệu ứng nho nhỏ ở các thành phố đăng cai. McDonald's cho biết các sự kiện thể thao ít ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bởi vì chuỗi này đã không phải là nhà tài trợ của UEFA hoặc Cúp bóng đá Đức (DFB) trong nhiều năm, nên không có kế hoạch cung cấp bánh mì kẹp thịt hoặc thực đơn có liên quan đến bóng đá.

Các chủ nhà hàng ở các thành phố đăng cai chỉ hy vọng có thêm doanh thu nếu họ tổ chức cho khách xem bóng đá. Bà Silja Steinberg, Chủ nhà hàng Hofbräukeller ở Munich, cũng đặt nhiều kỳ vọng vì đây là sự kiện lớn đầu tiên đối với ngành nhà hàng kể từ đại dịch COVID-19. Trong khu vườn bia với 1.800 chỗ ngồi, 600 khách có thể xem màn hình lớn phát sóng tất cả các trận đấu. Nhà hàng đã đầu tư 20.000 euro cho việc này.

Bà Steinberg dự kiến số khách sẽ vẫn được duy trì ở mức bình thường và hy vọng đội tuyển Đức sẽ tiến sâu vào vòng trong và thời tiết sẽ tốt trong suốt giải đấu.

Hàng không: Giá vé sẽ tăng sau vòng loại?

Các hãng hàng không cho biết, nhu cầu mua vé máy bay tăng lên. Hãng hàng không giá rẻ Ryanair nhận thấy trước thềm EURO 2024, “nhu cầu bay đến Đức tăng cao, đặc biệt là từ du khách Anh”. Easyjet cũng đang nhận được sự quan tâm ngày càng tăng đối với các chuyến bay nội địa Đức.

Hãng hàng không quốc gia Đức Lufthansa cho biết: “Về nguyên tắc, trong các giải đấu thể thao lớn, quan trọng cấp quốc gia, nhu cầu vé máy bay từ các quốc gia có đội thi đấu đều tăng lên đáng kể”. Lufthansa dự kiến sẽ bán được nhiều vé hơn vào phút chót.

Sau vòng loại, giá vé vào sân sẽ tăng cao. Ở vòng loại trực tiếp, người hâm mộ chỉ biết chắc đội nào sẽ thi đấu với đội nào vào phút chót nên nhu cầu đi lại giữa các thành phố sẽ tăng cao. Tin vui với người hâm mộ là tùy thuộc vào nhu cầu, Lufthansa sẽ tăng thêm chuyến bay tuỳ thuộc vào nhu cầu. Easyjet cũng đang xem xét điều này nên có thể giúp giá vé giảm bớt phần nào.

Ngành quảng cáo có nhiều hy vọng

Sau khi rating (tỷ suất người xem) bị sụt giảm trong các giải đấu lớn trước đó, các đài truyền hình đang mong đợi người hâm mộ sẽ quan tâm nhiều hơn đến EURO 2024, nhưng điều này lại phần lớn phụ thuộc vào phong độ của đội tuyển Đức.

Tại Đức, người hâm mộ có thể xem 46 trong số 51 trận đấu tại EURO 2024 trên TV phát sóng miễn phí qua các kênh Erste, ZDF và RTL và tất cả các trận đấu qua kênh trả phí Magenta TV của Telekom.

Các phương tiện truyền thông đang hy vọng có thêm doanh thu quảng cáo trong bối cảnh thị trường quảng cáo gần đây đã phục hồi nhẹ. ARD và ZDF “rất hài lòng” với lượng đặt quảng cáo cho đến nay và chỉ còn lại một số không gian quảng cáo miễn phí.

Ông Andreas Meffert, Giám đốc bán hàng tại Đức của Nielsen Media, cho biết các giải đấu bóng đá được coi là một môi trường quảng cáo thú vị “và khiến các công ty chi tiêu quảng cáo cao hơn đáng kể”. Vì Thế vận hội Olympic bắt đầu ở Pháp ngay sau EURO 2024 nên “ngành công nghiệp quảng cáo có thể có nhiều hy vọng trong mùa Hè này”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục