Eurozone giải ngân một phần tiền cứu trợ cho Hy Lạp

10:55' - 11/10/2016
BNEWS Eurozone thừa nhận Hy Lạp đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong việc giảm nợ ròng trong tháng Bảy và tháng Tám, đồng thời nói rằng nước này cần hoàn thành các dữ liệu cho tháng Chín và tháng 10.
Eurozone nhất trí giải ngân khoản cứu trợ tiếp theo cho Hy Lạp. Ảnh: voanews.com

Ngày 10/10, bộ trưởng tài chính các nước Khu vực sử dung đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhóm họp tại Luxembourg đã nhất trí giải ngân 1,1 tỷ euro (tương đương 1,2 tỷ USD) trên tổng số 2,8 tỷ euro cho Hy Lạp sau khi ghi nhận những nỗ lực cải cách của nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Eurozone, ông Jeroen Dijsselbloem hoan nghênh Hy Lạp đã hoàn tất công tác triển khai 15 bước cải cách do các đối tác châu Âu đề ra.

Eurozone đánh giá cao việc các nhà lãnh đạo Hy Lạp đã thông qua những biện pháp bổ sung cần thiết để cải tổ hệ thống hưu trí và ngành năng lượng, tăng cường quản trị ngân hàng và tiếp tục chương trình tư nhân hóa. Việc triển khai các bước quan trọng kể trên đã mở đường cho việc giải ngân 1,1 tỷ euro để giúp Hy Lạp giải quyết các nhu cầu trả nợ trước mắt.

Eurozone thừa nhận Hy Lạp đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong việc giảm nợ ròng trong tháng Bảy và tháng Tám, đồng thời nói rằng nước này cần hoàn thành các dữ liệu cho tháng Chín và tháng 10.

Eurozone sẽ hướng tới giai đoạn mới và đang kêu gọi nhà chức trách Hy Lạp tăng cường hợp tác với các thể chế của khu vực này trong việc áp dụng các biện pháp cần thiết để khối này có thể giải ngân 1,7 tỷ euro tiếp theo, dự kiến vào cuối tháng 10/2016.

Trước đó, hôm 27/9 vừa qua, với 152 phiếu ủng hộ trong số 293 nghị sĩ có mặt, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế, trong đó có việc đẩy nhanh quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp cung cấp điện, nước.

Chính việc thông qua các biện pháp này đã mở đường để Athens nhận khoản giải ngân mới 2,8 tỷ euro trong gói cứu trợ thứ ba từ các chủ nợ quốc tế, vốn đã bị "treo" kể tháng Sáu vừa qua.

Gói biện pháp cải cách mới được Quốc hội Hy Lạp thông qua khẩn cấp, trong bối cảnh hầu hết các dự luật "khắc khổ" cũng đã được quốc gia này thông qua trong những năm gần đây. Luật mới yêu cầu tái cơ cấu thị trường điện, đẩy mạnh các chương trình tư nhân hóa và quản lý các khoản nợ xấu.

Tin tức cho hay tại cuộc gặp bộ trưởng tài chính của các nước sử dụng đồng euro ở Luxembourg (Lúc-xăm-bua), Ủy viên phụ trách về kinh tế của Liên minh châu Âu, Pierre Moscovici thông báo Hy Lạp đã đạt được tiến bộ lớn và thỏa mãn toàn bộ 15 điều kiện quan trọng để được giải ngân thêm 2,8 tỷ euro (3,1 tỷ USD).

Liên quan đến vấn đề Hy Lạp, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết sẽ vẫn tham gia đầy đủ vào các cuộc đàm phán về việc vai trò của thiết chế này trong chương trình cứu trợ Hy Lạp nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra.

Trong một tuyên bố qua thư điện tử vào cuối tuần qua, người phát ngôn của IMF, Gerry Rice cho biết thiết chế này vẫn tham gia đầy đủ, với mục đích đạt thỏa thuận về chương trình được điều chỉnh theo yêu cầu của các nhà chức trách mà IMF có thể hỗ trợ và trên tinh thần này, một nhóm làm việc sẽ sớm có mặt tại Athens.

Trước đó, Giám đốc bộ phận châu Âu của IMF, Poul Thomsen cho biết nhóm làm việc của IMF sẽ tới Athens trong khoảng một đến hai tuần tới để thảo luận về chương trình mới.

IMF đã giữ vững lập trường trong hơn một năm qua về điều khoản mà nếu được đáp ứng, thiết chế này sẽ tham gia vào bất kỳ gói cứu trợ mới nào dành cho Hy Lạp, cho rằng các mục tiêu tài chính trong chương trình cứu trợ của châu Âu là không khả thi nếu không chấp nhận giảm đáng kể nợ cho nước này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble khi phát biểu với báo giới cho rằng IMF sẽ tham gia vào chương trình cứu trợ Hy Lạp. Tuy nhiên, ông phản đối việc giảm nợ cho Hy Lạp và khẳng định các vấn đề tài chính của Hy Lạp không phải là do nợ cao mà do nền kinh tế nước này cần lấy lại khả năng cạnh tranh và khôi phục tăng trưởng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục