EVN tập trung nguồn lực cho chuyển đổi số

12:41' - 01/04/2021
BNEWS EVN cũng sẽ đẩy mạnh thiết kế khảo sát các công trình bằng 3D; ứng dụng hệ thống giám sát thông minh trên các công trình xây dựng của công trình nhà máy điện và trạm điện.
Là tập đoàn kinh tế nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) luôn đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025; trong đó chuyển đổi số hoàn thành năm 2022. Xác định chuyển đổi số là việc thường xuyên và có tính cấp bách, EVN thời gian qua đã nỗ lực hoàn thành nhiều mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của mình.

*Chủ động chuyển đổi

Theo thông tin từ EVN, mức chi tiêu cho công nghệ thông tin những năm qua luôn được tập đoàn chú trọng thực hiện. EVN đã tích cực áp dụng cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, vận hành hệ thống điện và kinh doanh, dịch vụ khách hàng. Việc triển khai thí điểm tích hợp các hệ thống quản lý kỹ thuật và kinh doanh bước đầu đạt hiệu quả, đã giảm số thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết các yêu cầu cấp điện mới.

Năm 2020, thời gian giải quyết các thủ tục cấp điện trung áp của điện lực bình quân là 3,5 ngày, bằng 50% so với chỉ tiêu giao (7 ngày); thời gian cấp điện qua lưới điện hạ áp bình quân cho khách hàng sinh hoạt khu vực là 2,5 ngày. Tỷ lệ thu tiền điện đạt 99,7%. Tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt ước đạt 70%, vượt 10% so với kế hoạch (60%) và tăng 15,36% so với năm 2019. Tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt toàn EVN đạt 90% đạt kế hoạch giao (90%) và tăng 19% so với năm 2019 (71%).

Về lĩnh vực hạ tầng số, hiện tại, EVN đang vận hành và khai thác 9 trung tâm dữ liệu và trung tâm dự phòng. Từ nhiều năm nay, EVN đã dịch chuyển sang sử dụng công nghệ máy chủ, ảo hóa; các hệ thống được kết nối với nhau thông qua hệ thống mạng và với năng lực lưu trữ lên đến hàng trăm TB (dung lượng lữu trữ máy tính với giá trị một TB tương đương với 1 nghìn tỷ byte).

Về lĩnh vực an ninh an toàn mạng và dữ liệu, hệ thống có khả năng quản lý các thiết bị trên mạng máy tính, giám sát kiểm tra người dùng, khoanh vùng bị tấn công, bảo vệ mạng, bảo vệ dữ liệu; phòng chống các lỗ hổng, các truy cập bất hợp pháp; cung cấp chứng cứ vi phạm an toàn bảo mật.

Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và quản lý kỹ thuật, hầu hết các nhà máy nhiệt điện, thuỷ điện của EVN đã được trang bị, lắp đặt hệ thống điều khiển. Các Trung tâm Điều độ miền được trang bị hệ thống tự động hóa hiện đại, đảm bảo quản lý vận hành các nhà máy điện, trạm biến áp theo phân cấp quyền điều khiển. Gần 100% máy biến áp và kháng điện 500 kV đã trang bị một số thiết bị giám sát dầu online. Các tổ máy của nhà máy thủy điện trực thuộc như Thủy điện Sơn La, Lai Châu, Ialy đã được trang bị hệ thống giám sát trực tuyến.

Cùng với đó, để nâng cao năng suất và trải nghiệm khách hàng, EVN đã bước đầu sử dụng thiết bị bay không người lái để hỗ trợ giám sát hành lang tuyến, đánh giá, tìm điểm sự cố của đường dây truyền tải điện; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực thị giác máy tính để kiểm tra hình ảnh hiện trường.

Bên cạnh những kết quả đạt được, EVN cũng cho hay, chuyển đổi số của tập đoàn vẫn còn những hạn chế về năng lực nghiên cứu công nghệ mới, về năng lực tiếp nhận, ứng dụng, khai thác công nghệ số.

Nguyên nhân là EVN là tập đoàn kinh tế không phải là tập đoàn công nghệ thông tin, chưa có đơn vị chuyên trách về nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối… còn rất mới trên thế giới, nhiều công nghệ chưa có chuẩn chung. Do đó, việc tiếp cận nghiên cứu, tìm hiểu để ứng dụng vào thực tế cần nhiều thời gian, nguồn lực chất lượng cao để nắm bắt được các công nghệ mới này, đồng thời hiệu chỉnh các quy định thủ công trước đây thành các quy trình mới.

Ngoài ra, EVN cũng chưa xây dựng được cơ chế cho quỹ đổi mới sáng tạo, dẫn đến việc đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo còn mất nhiều thời gian trong quá trình phê duyệt thủ tục.

*Tập trung nguồn lực

Chuyển đổi số là chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cách làm, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để gia tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất lao động, nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng khách hàng. EVN sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, áp dụng các công nghệ mới thay thế cho các công nghệ cũ lạc hậu, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động trong toàn tập đoàn.

Theo EVN, trong lĩnh vực sản xuất, EVN xác định 26 nhiệm vụ; trong đó 18 nhiệm vụ ứng dụng công nghệ. Cụ thể như: Ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong thực hiện giải pháp khoa học công nghệ để quản lý và khai thác, vận hành hiệu quả thiết bị trong lĩnh vực phát điện, truyền tải và phân phối với mục tiêu: Chuyển đổi các trung tâm điều khiển nhà máy điện và các trạm biến áp thành trung tâm điều khiển số.

EVN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để đổi mới, cải tiến quy trình quản lý và vận hành hệ thống điện nhằm nâng cao độ an toàn, tin cậy và cải thiện hiệu suất vận hành. Cụ thể ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong việc thực hiện giải pháp bảo dưỡng sửa chữa độ tin cậy các nhà máy điện và bảo dưỡng các thiết bị.

Lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng cũng sẽ tiếp tục được tập đoàn đẩy mạnh đầu tư công nghệ. Thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục xây dựng nền tảng phân phối kỹ thuật số các ứng dụng dùng chung cho toàn tập đoàn nhằm cung cấp các dịch vụ chăm sóc khách hàng được nâng cao bằng cách tạo thuận lợi, đơn giản cho khách hàng trong việc đăng ký và sử dụng các dịch vụ điện; thiết kế trải nghiệm khách hàng nhằm thu hút ngày càng nhiều khách hàng tương tác trên các kênh kỹ thuật số; đẩy mạnh chất lượng cung cấp dịch vụ điện được trực tuyến mức độ 4.

Cùng đó, EVN nâng cao xử lý hồ sơ công việc trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng trên môi trường mạng theo phương thức điện tử; thanh toán tiền điện và tiền dịch vụ theo phương thức không dùng tiền mặt; các yêu cầu của khách hàng qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng được tiếp nhận xử lý tự động và từng bước hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu định danh khách hàng thống nhất trong EVN.

EVN cũng sẽ đẩy mạnh thiết kế khảo sát các công trình bằng 3D; ứng dụng hệ thống giám sát thông minh trên các công trình xây dựng của công trình nhà máy điện và trạm điện đối với nhà thầu, trang thiết bị của nhà thầu ra vào tại công trường. Áp dụng công nghệ nhận dạng hình ảnh và AI để phân đánh giá việc tuân thủ của nhà thầu theo hợp đồng; đối với các dự án đường dây, áp dụng công nghệ AI trong phân tích hình ảnh để nhận diện hình ảnh của tư vấn giám sát trong các bước thi công; ứng dụng các công nghệ mới trong khảo sát thiết kế công trình.

Với công nghệ thông tin và tự động hóa, EVN xác định 7 hạng mục công việc lớn, gồm: nâng cao năng lực hạ tầng viễn thông, ứng dụng các nền tảng công nghệ số trong khai thác và triển khai các dịch vụ công nghệ thông tin; xây dựng nền tảng và kiến trúc công nghệ, hệ sinh thái số linh hoạt, tăng cường khai thác tối đa các dịch vụ, dữ liệu dùng chung để đẩy nhanh quá trình xây dựng và triển khai các chương trình chuyển đổi số trong EVN.

Đồng thời, nghiên cứu các công nghệ số mới và đưa vào áp dụng trong thực tiễn, nâng cấp các hệ thống dùng chung hiện có để phù hợp với các nền tảng công nghệ mới đảm bảo hỗ trợ khả năng di động hóa, tích hợp và chia sẻ thông tin, trợ giúp người lao động làm việc hiệu quả hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục