EVNNPC tăng chất lượng lao động đáp ứng chuyển đổi số

10:52' - 30/11/2022
BNEWS Tổng công ty sẽ ưu tiên đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung nguồn nhân lực số, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý kỹ thuật vận hành lưới điện, kinh doanh dịch vụ khách hàng
Với mục tiêu chuyển đổi số mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh, quản lý vận hành lưới điện thông minh trong giai đoạn tới, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) và các đơn vị ngành điện sẽ cần nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao hơn, nắm bắt công nghệ và có phẩm chất phù hợp với giá trị cốt lõi của ngành điện.

*Sức ép từ chuyển đổi số

Báo cáo tại hội nghị tổ chức nhân sự sáng nay 29/11, ông Lê Đình Lượng, Trưởng ban tổ chức và nhân sự EVNNPC cho hay, nguồn nhân lực trong tổng công ty đã được đào tạo cơ bản, có chuyên môn phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh. Lao động có trình độ đại học chiếm tỷ lệ cao. Nhiều công nhân trực tiếp đã chủ động, tự theo học các khóa học nâng cao có trình độ đại học.

Tuy vậy khi nhìn vào thực tế cho thấy, độ tuổi trung bình tại các đơn vị vẫn còn cao, hơn 42,6 tuổi. Chất lượng lao động giữa các đơn vị, tại các địa bàn khác nhau không đồng đều, lao động tại đơn vị ở vùng đồng bằng, đô thị cơ bản có chất lượng cao hơn lao động tại các đơn vị ở vùng miền núi, vùng khó khăn. Trình độ đáp ứng, tiếp nhận với khoa học công nghệ và sự thay đổi còn nhiều hạn chế.

Thời gian qua, Tổng công ty cũng đã có nhiều chương trình, đề án, giải pháp áp dụng các mô hình, sáng kiến nhưng còn thiếu triệt để, dàn trải dẫn đến thiếu hệ thống, thiếu thiết thực, chưa hiệu quả. Điển hình là bài học từ dự án KPIs và hơn 14 đề án xây dựng ra nhưng không làm thường xuyên, đánh giá, bổ sung, hiệu chỉnh... không đi vào thực tiễn không hiệu quả như đề án đưa ra.

Những yếu tố này khiến việc đảm bảo mục tiêu tăng năng suất lao động 8-10% năm giai đoạn 2022-2025 là một mục tiêu đặc biệt khó khăn. 

Theo chia sẻ của ông Lê Bá Quyến, Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình, một trong những nguồn lực quan trọng với doanh nghiệp là nhân lực. Tuy nhiên hiện nay, tại Công ty Điện lực Thái Bình, với độ tuổi trung bình cao nên chất lượng lao động không đồng đều, việc tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ vẫn còn khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, công tác đào tạo tại công ty đã được triển khai trên các lĩnh vực: an toàn, kỹ thuật, kinh doanh, công nghệ thông tin… từ cơ bản đến nâng cao cho người lao động; cố gắng trang bị kỹ năng, kiến thức cơ bản cho cán bộ kỹ thuật và 100% công nhân phục vụ vận hành lưới điện thông minh.

Ông Lê Bá Quyến kiến nghị, Tổng công ty cần tăng cường hơn nữa đào tạo về công nghệ thông tin đối với đội ngũ lao động, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động để đáp ứng kịp thời cho nhiệm vụ trong thời kỳ khoa học công nghệ 4.0; đồng thời có cơ chế lương thưởng đặc thù cho các đối tượng lao động nặng,

Cùng quan điểm trên, ông Trần Duy Trinh, Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La cho hay, với hơn 77% lao động trực tiếp nhưng đây lại là nhóm lao động có nhiều chênh lệch về trình độ, chủ yếu là công nhân kỹ thuật, trung cấp, cần được đào tạo chuyên sâu để nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn.

"Lực lượng lao động từ 40-49 tuổi chiếm tỷ lệ cao. Nếu không kịp thời đào tạo nâng cao năng lực trong vòng 10-15 năm tới thì đội ngũ lao động sẽ bị già hóa, khó khăn trong đào tạo, tiếp thu công nghệ mới. Triển khai học tập, đào tạo không phải vấn đề mới, nhưng làm sao để xây dựng một tổ chức học tập có khả năng phát triển năng lực một cách có hệ thống, thúc đẩy quá trình chuyển đổi liên tục", ông Trần Duy Trinh nói. 

Công ty Điện lực Sơn La đã thực hiện nhiều hình thức, phương pháp đào tạo như Chương trình đào tạo 1 giờ, đào tạo tại chỗ, đào tạo qua Hệ thống Elearning, đào tạo dài hạn…

Nhờ đó, chỉ số tiếp cận điện năng và các chỉ số tin cậy cung cấp điện được cải thiện rõ rệt, phát huy ứng dụng khoa học kỹ thuật đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, tin cậy, kết nối linh hoạt nhằm giảm tối đa thời gian mất điện với khách hàng; áp dụng số hóa ở các lĩnh vực mang lại hiệu quả thiết thực trong quản trị doanh nghiệp và nâng cao hiệu suất công việc.

"Tuy nhiên, thời gian tới, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, chủ động trước các thách thức của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hướng đến phát triển bền vững với các thành quả vượt bậc, cần tiếp tục có thêm các chương trình đào tạo cụ thể theo nhu cầu chuyển đổi số trong từng nhóm lĩnh vực, từng nhóm đối tượng; đào tạo chuyên sâu cho cán bộ, chuyên viên làm công tác kỹ thuật.

Đồng thời, có hình thức sát hạch phù hợp đối với cán bộ công nhân viên dựa trên hiệu quả công việc sau khi tham gia các khóa đào tạo và thực hiện đánh giá trách nhiệm người đứng đầu về kết quả học tập của người lao động", ông Trần Duy Trinh đề xuất.

*Tạo chuyển biến mạnh

Đến năm 2025, EVNNPC phấn đấu có một nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo phù hợp về số lượng, chuyển biến tích cực về chất lượng, đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của mọi lĩnh vực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, để năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, EVNNPC lọt vào Top 5 các Tổng công ty lớn của ngành điện lực khu vực ASEAN, dẫn đầu về chất lượng nguồn nhân lực cũng như mọi hoạt động trong lĩnh vực quản lý, phân phối điện năng.

Để đạt mục tiêu này, Chủ tịch HĐTV EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh cho biết, thời gian tới, đối với nguồn lao động hiện nay, Tổng công ty sẽ xây dựng đề án phát triển nhân lực; trong đó chuẩn hóa khung năng lực với từng vị trí, để trên cơ sở đó sẽ xây dựng, sắp xếp đội ngũ phù hợp và đào tạo đáp ứng đúng nhu cầu lao động.

Tổng công ty sẽ ưu tiên đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung nguồn nhân lực số, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý kỹ thuật vận hành lưới điện, kinh doanh dịch vụ khách hàng; phát triển đội ngũ chuyên gia, kỹ sư công nghệ số đạt ngang hàng các doanh nghiệp hàng đầu ASEAN…

Với đội ngũ hùng hậu công nhân kỹ thuật lành nghề, chuyên nghiệp, đã được nâng cao tay nghề và trình độ, được đào tạo theo hướng hiện đại hoá kỹ năng, trình độ chuyên môn, người lao động EVNNPC sẽ đáp ứng tốt các yêu cầu lưới điện thông minh và hiện đại hóa, công nghệ hóa ngày càng cao.

Thời gian tới, EVNNPC cho hay, tổng công ty sẽ tiếp tục chuẩn hóa phương pháp đào tạo, nội dung đào tạo bồi huấn. Thời gian qua việc tổ chức đào tạo nhiều nhưng chưa hiệu quả do chưa chuẩn hóa các chương trình, nội dung, đối tượng đào tạo.

Trong giai đoạn 2024-2025, ngoài việc chuẩn hóa, các đơn vị cũng sẽ xem xét bổ sung thêm một số hiện trường, công cụ đào tạo mới về hệ thống điện GIS, vận hành khai thác, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo trong lưới phân phối, thí nghiệm, hiệu chỉnh. Tổng công ty cũng sẽ số hóa quy trình quản lý, số hóa tổ chức đào tạo và các phương thức học tập, giảng dạy…

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ nâng cao chất lượng, năng suất lao động, EVNNPC dự kiến đến năm 2025 sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình tự động hóa, áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động trong công tác quản lý kỹ thuật vận hành.

Đơn cử như tự động hóa các trạm biến áp 110 kV, chuyển thành trạm biến áp không có người trực vận hành; triển khai các dự án thí điểm tự động hóa lưới phân phối (DAS) tại một số khu vực trọng điểm; lắp đặt các thiết bị thông minh trên lưới điện trung, hạ thế có thể giám sát, điều khiển, thu thập dữ liệu từ xa…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục