Khủng hoảng lương thực “thúc đẩy” các lệnh cấm xuất khẩu

21:00' - 10/03/2022
BNEWS Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do căng thẳng Nga-Ukraine gây ra đang ngày càng trầm trọng khi ngày 9/3, Indonesia thông báo hạn chế xuất khẩu dầu cọ.

Động thái này diễn ra sau khi ngày càng có nhiều nước sản xuất chính tìm cách giữ lại nguồn cung cấp lương thực quan trọng trong nước.

 

Căng thẳng Nga-Ukraine đã đe dọa đến sản lượng ngũ cốc toàn cầu, nguồn cung dầu ăn và xuất khẩu phân bón, khiến giá hàng hóa cơ bản tăng vọt, điều mà cũng đang gây ra “sóng gió” trên thị trường năng lượng.

Theo cơ quan lương thực của Liên hợp quốc, giá lương thực thế giới đã tăng cao kỷ lục 20,7% trong tháng 2/2022 so với cùng kỳ năm trước, và nhiều thị trường tiếp tục ghi nhận đà tăng trong tháng 3/2022.

Dầu cọ là loại dầu thực vật được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới và được sử dụng trong sản xuất nhiều sản phẩm bao gồm bánh quy, bơ thực vật, chất tẩy giặt và sôcôla. Giá dầu cọ đã tăng hơn 50% trong năm nay.

Giá dầu cọ Malaysia tăng lên mức cao kỷ lục sau thông báo của Indonesia, trong khi giá dầu đậu nành tăng lên mức đỉnh 14 năm. Giá dầu đậu nành đã tăng gần 40% trong năm nay.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Muhammad Lufti cho biết việc hạn chế xuất khẩu nhằm đảm bảo giá dầu ăn trong nước vẫn ở mức “vừa túi tiền” của người tiêu dùng.

Giá thực phẩm tăng lên trong bối cảnh các nền kinh tế nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19, và điều này cũng góp phần làm tình trạng lạm phát trên toàn cầu tồi tệ hơn.

Nga và Ukraine đều là những nhà cung cấp dầu ăn quan trọng và đóng góp gần 30% lượng lúa mỳ xuất khẩu toàn cầu.

Ngày 9/3, Ukraine thông báo cấm xuất khẩu một loạt mặt hàng nông sản, trong đó có lúa mạch, đường và thịt cho đến cuối năm nay.

Giá lúa mỳ giao kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago đã tăng khoảng 60% từ đầu năm đến nay, có nguy cơ làm tăng giá các mặt hàng lương thực chính như bánh mỳ.

Căng thẳng Nga-Ukraine không chỉ làm gián đoạn hoạt động vận chuyển hàng hóa ở khu vực Biển Đen mà còn làm ảnh hưởng đến triển vọng thu hoạch cây trồng do giá phân bón tăng, và nguồn cung ứng cũng giảm trước sự tăng mạnh của giá khí đốt tự nhiên, một thành phần quan trọng trong quá trình sản xuất nhiều sản phẩm.

Cũng trong ngày 9/3, Serbia thông báo sẽ cấm xuất khẩu lúa mỳ, ngô, bột mỳ và dầu ăn kể từ ngày 10/3 để ngăn chặn việc tăng giá, trong khi Hungary đã cấm xuất khẩu toàn bộ ngũ cốc vào tuần trước.

Bulgaria cũng đã thông báo sẽ tăng dự trữ ngũ cốc và có thể hạn chế xuất khẩu cho đến khi tiến hành các đợt mua theo kế hoạch.

Nguồn cung ngũ cốc tại Romania, một nhà xuất khẩu lớn, cũng đã thắt chặt khi khách mua quốc tế tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho nguồn cung cấp từ Nga hoặc Ukraine./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục