Fed có thể thu hẹp chương trình kích thích kinh tế từ tháng 11 tới

15:28' - 14/10/2021
BNEWS Nếu tình hình kinh tế Mỹ không có biến động đáng kể, các quan chức Ngân hàng dự trữ Mỹ (Fed) sẽ ủng hộ thu hẹp gói kích thích kinh tế sớm nhất là vào tháng 11 tới.

Thời hạn Fed bỏ chính sách mua trái phiếu hằng tháng, vốn để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn khó khăn vì đại dịch COVID-19, là chủ đề thu hút sự quan tâm lớn trong nhiều tháng trở lại đây. Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, hồi tháng trước cũng đánh tín hiệu rằng thời hạn này có thể sẽ đến sớm.

Theo biên bản sau cuộc họp của FOMC do Fed công bố ngày 13/10, các quan chức Fed đã thảo luận tích cực về các kế hoạch thực hiện việc thu hẹp quy mô mua trái phiếu ngay sau cuộc họp sắp tới dự kiến diễn ra vào tháng 11 và tiến tới chấm dứt chương trình này vào giữa năm 2022.

Theo đó, các quan chức Fed cho rằng nếu đà phục hồi kinh tế tiếp tục duy trì đúng lộ trình hiện nay, việc thu hẹp dần và tiến tới chấm dứt chương trình kích thích kinh tế vào giữa năm 2022 là hợp lý. Nếu quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp sắp tới của FOMC thì quy trình thu hẹp sẽ bắt đầu với lịch mua trái phiếu hằng tháng từ giữa tháng 11 hoặc giữa tháng 12.

Hiện mỗi tháng, Fed đang mua vào khoảng 80 tỷ USD trái phiếu chính phủ và 40 tỷ USD chứng khoán có thế chấp. Đây là một phần của chính sách được triển khai từ đầu năm 2020 khi đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế Mỹ suy giảm với tốc độ chưa từng thấy.

Những tháng gần đây, việc duy trì chính sách này vấp phải nhiều hoài nghi khi lạm phát tại Mỹ bắt đầu tăng.

Biên bản ghi lại nội dung cuộc họp mới nhất của FOMC cũng cho thấy những người tham gia ủng hộ kế hoạch thu hẹp quy mô mua trái phiếu chính phủ, theo đó giảm 10 tỷ USD giá trị trái phiếu mua vào hằng tháng trong khi giảm 5 tỷ USD giá trị chứng khoán mua vào.

Khi lạm phát liên tục tăng từ đầu năm 2021 đến nay, Fed dự báo lãi suất cơ bản tại Mỹ có thể thoát mức 0% sớm nhất là trong năm tới. Trong cuộc họp ngày 13/10, các quan chức Fed cũng cho rằng lạm phát có nguy cơ tiếp tục tăng vì tâm lý lo ngại gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu lao động có thể kéo dài và kéo theo những tác động lớn hơn hoặc dai dẳng hơn đến giá cả và tiền lương so với những dự tính hiện tại.

Về tình hình lạm phát tại Mỹ, theo số liệu mới được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 13/10, lạm phát tại nước này trong tháng 9 vẫn tiếp tục tăng khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài đã nhiều tháng.

Theo đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,4% trong tháng 9, sau khi tăng 0,3% hồi tháng 8. Trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 9, chỉ số trên đã tăng 5,4%, nhích nhẹ so với mức 5,3% ghi nhận trong 12 tháng tính đến hết tháng 8.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Sarah House, từ Wells Fargo Securities, nhận định nhìn chung, lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, đặc biệt khi giá dầu mỏ và khí đốt tự nhiên đã tăng trong vài tuần gần đây. Hơn nữa, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng cũng chưa có dấu hiệu cải thiện.

Chỉ đến khi các kho hàng được bồi đầy, giá cả hàng hóa mới có thể giảm để giúp đảo chiều đồ thị lạm phát. Chuyên gia này dự báo đến hết quý I/2022, CPI Mỹ sẽ vẫn duy trì ở mức trên 5% so với cùng kỳ một năm trước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục