Fed nâng lãi suất: Việt Nam sẽ chịu tác động từ từ

17:37' - 17/12/2015
BNEWS Tại Việt Nam hiện nay, dòng vốn ngắn hạn chiếm thị phần ít, còn lại chủ yếu là dòng vốn trung dài hạn vì thế nhìn chung tác động thực sự của Fed không phải là ngay lập tức mà sẽ tác động từ từ.
Tỷ giá neo kịch trần. Ảnh: TTXVN

Sau nhiều ngày đồn đoán, rạng sáng 17/12 theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chính thức quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập niên. Quyết định này ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

Tỷ giá “neo” kịch trần do yếu tố tâm lý

Lý giải về diễn biến giá đô la Mỹ tăng kịch trần những ngày qua, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, đây chủ yếu do yếu tố tâm lý trước kỳ họp của Fed và việc giảm giá của đồng Nhân dân tệ (NDT).

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, cung cầu qua theo dõi trên thị trường vẫn diễn ra bình thường, mặc dù tỷ giá tăng kịch trần nhưng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp không có gì đột biến. Chỉ có sáng 17/12, sau quyết định của Fed, đầu giờ sáng thị trường có vẻ ít giao dịch, nhưng sau đó giao dịch mua bán lại diễn ra bình thường.

Ngoài ra, bà Hồng cũng nhận định, trong tháng 10 và tháng 11 có xuất siêu, dòng vốn tiếp tục vào Việt Nam, kiều hối tăng mạnh đã hỗ trợ tích cực thị trường.

Đối với việc đồng NDT liên tục giảm giá bà Hồng khẳng định, Trung Quốc cũng không để NDT giảm mạnh nữa. Ngày 1/12, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã có phát biểu rằng không có lý do gì để NDT giảm mạnh nữa.

“Thị trường trong mấy ngày gần đây có chút biến động là do tâm lý, sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi và thực hiện các biện pháp cần thiết”. Bà Hồng tái khẳng định.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng nhìn nhận, tỷ giá tăng mạnh thời gian qua có tác động bởi yếu tố tâm lý. Thị trường thời gian qua đã có động thái chờ đợi quyết định của Fed và cũng đã có hiện tượng đẩy tỷ giá lên kịch trần.

Cùng với đó, nguyên nhân nữa cũng liên quan đến yếu tố thời vụ. Cuối năm, câu chuyện về chốt hợp đồng thanh toán, chuyển lợi nhuận của khách hàng, doanh nghiệp FDI chuyển tiền về nước và một số nước cũng đã và đang điều chỉnh tỷ giá theo hướng giảm giá trị đồng nội tệ. Như thế sẽ tạo ra áp lực lên tỷ giá của Việt Nam.

Trên thị trường ngoại tệ trong ngày đầu tiên đón nhận thông tin Fed nâng lãi suất, giá đô la Mỹ tại các ngân hàng thương mại vẫn ở mức kịch trần như vài ngày trở lại đây. Vietcombank cuối giờ chiều 17/12 niêm yết giá đô la Mỹ ở mức 22.517 – 22.547 VND/USD (mua vào – bán ra). Techcombank cũng đang giao dịch đồng bạc xanh ở mức 22.460 – 22.547 VND/USD (mua vào – bán ra).

Thị trường đã chủ động

Trước những lo ngại về tác động của việc Fed điều chỉnh lãi suất đến kinh tế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng nhận định, vấn đề này đã được dự báo trước và đã được thể hiện trong diễn biến tỷ giá từ cuối năm 2014 đầu năm 2015. “Rõ ràng, thị trường đã kỳ vọng điều này rồi”- bà Hồng nói.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, tại Việt Nam hiện nay, dòng vốn ngắn hạn chiếm thị phần ít, còn lại chủ yếu là dòng vốn trung dài hạn vì thế nhìn chung tác động thực sự của Fed không phải là ngay lập tức mà sẽ tác động từ từ.

PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Tài chính Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, quyết định của Fed thể hiện sự điều hành mang tính đúng thời điểm và Việt Nam có thể có một số ảnh hưởng nhưng điều đó hoàn toàn bình thường và rất nhiều trong số ảnh hưởng đó chúng ta đã có sự chuẩn bị từ trước. Vì thế, không có gì bất ngờ hay đáng lo ngại về vấn đề này.

Ông Đặng Ngọc Đức phân tích, ảnh hưởng đầu tiên là lãi suất tiết kiệm có thể sẽ tăng lên. Bởi, trong trường hợp không tăng lãi suất lên sẽ có những sự di chuyển của các luồng vốn. Trong trường hợp như vậy thì xu hướng có thể sẽ dẫn đến sự gia tăng của lãi suất.

Trên thực tế, thời gian gần đây một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Mới đây, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã công bố lãi suất huy động mới tăng ở nhiều kỳ hạn so với trước đó.

Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn từ 15 - 36 tháng với mức tăng từ 0,3-0,4%/năm. Các kỳ hạn ngắn hơn từ 6 tháng đến 13 tháng lãi suất tăng 0,1 - 0,3%/năm.

Hiện lãi suất cao nhất tại ngân hàng nay là kỳ hạn 13 tháng với khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên được áp dụng lãi suất 7,55%/năm. Lãi suất kỳ hạn 36 tháng là 6,8%/năm, còn kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,4%/năm. Các kỳ hạn 6-11 tháng lãi suất ở mức 5,5%/năm.

Vấn đề khác, theo ông Đặng Ngọc Đức có thể ảnh hưởng đến tỷ giá và trong khuôn khổ ảnh hưởng đến tỷ giá có thể ảnh hưởng đến thương mại quốc tế.

“Tuy nhiên, việc ảnh hưởng này theo tôi là không lớn. Bởi việc ảnh hưởng đến tỷ giá chúng ta cũng đã có sự đón trước. Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng thêm 1% tỷ giá vào tháng 8 vừa qua, mặt khác lãi suất đồng đô la cũng đã được điều chỉnh giảm xuống”. - PGS.TS Đặng Ngọc Đức nói.

Còn TS. Cấn Văn Lực nêu lên 4 tác động đối với kinh tế Việt Nam. Thứ nhất là tạo áp lực lớn lên tỷ giá từ nay đến cuối năm cũng như đầu năm 2016. Thứ hai, liên quan đến chi phí huy động vốn nước ngoài, hiện nay có cả nợ công, nợ doanh nghiệp đều vay bằng USD. Như vậy, chi phí huy động vốn đối với đồng đô la Mỹ sẽ bị tăng lên.

Tác động thứ 3 theo tiến sỹ Cấn Văn Lực liên quan đến câu chuyện về dòng vốn đầu tư. Với việc Fed tăng lãi suất như vậy, dòng vốn sẽ dịch chuyển sang những nước ít rủi ro hơn và lãi suất cao hơn, cụ thể, dòng vốn có thể quay về Mỹ hoặc quay về khu vực châu Âu.

Thời gian qua một số dòng vốn đầu tư vào các thị trường đang phát triển mới nổi cũng đã quay về các nước đó và động thái này sẽ tiếp tục trong năm tới. Câu chuyện đặt ra trong thời gian tới là quản lý dòng vốn đầu tư ra vào như thế nào. Và tác động cuối cùng theo TS. Cấn Văn Lực là những thị trường khác có liên quan đến giá dầu, giá vàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục