Fitch giữ nguyên xếp hạng tín dụng của Indonesia ở mức BBB

07:30' - 30/03/2021
BNEWS Cơ quan xếp hạng Fitch Ratings đã giữ nguyên xếp hạng tín dụng của Indonesia kể từ ngày 19/3/2021 ở mức BBB, mức đầu tư đã được duy trì từ ngày 10/8/2020, với triển vọng ổn định.

Thống đốc Ngân hàng Indonesia (BI, ngân hàng trung ương) Perry Warjiyo cho biết quyết định của Fitch được đưa ra dựa trên triển vọng tăng trưởng kinh tế trung hạn tích cực và gánh nặng nợ công tương đối thấp, mặc dù vẫn tiếp tục gia tăng.

Việc duy trì xếp hạng BBB của Indonesia với triển vọng ổn định là một sự công nhận của các bên quốc tế liên quan đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trung hạn của Indonesia trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

BI tiếp tục cam kết phối hợp với chính phủ để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến điều kiện xếp hạng nợ trong tương lai.

Cũng theo ông Perry Warjiyo, Fitch dự báo nền kinh tế Indonesia sẽ tăng trưởng khoảng 5,3% vào năm 2021 và 6% vào năm 2022.

Sự phục hồi kinh tế sẽ được thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích của chính phủ và xuất khẩu cũng sẽ được hỗ trợ bởi những cải thiện trong giá cả hàng hóa.

Ngoài ra, động lực tăng trưởng kinh tế cũng sẽ đến từ sự phát triển của cơ sở hạ tầng. Sự phục hồi sẽ phụ thuộc vào việc đối phó với sự lây lan của đại dịch COVID-19, đặc biệt là thông qua việc tăng tốc tiêm chủng ngừa COVID-19.

Về trung hạn, Fitch dự báo rằng tăng trưởng kinh tế sẽ được thúc đẩy bởi việc thực thi Luật Tạo việc làm nhằm mục đích xóa bỏ các rào cản đầu tư khác nhau.

Ngoài ra, Fitch cũng chú ý đến việc thành lập Cơ quan Đầu tư Indonesia với tư cách là một cơ quan quản lý đầu tư của Quỹ tài sản có chủ quyền là một bước để hỗ trợ tài chính phát triển cơ sở hạ tầng trong vài năm tới.

Đối với thâm hụt ngân sách, Fitch dự báo sẽ giảm từ 6,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020 xuống 5,6% GDP vào năm 2021. Tác động của đại dịch đối với tình hình tài khóa của Indonesia không lớn như các nước ngang hàng.

Tuy nhiên, Fitch cũng cảnh báo Indonesia về thách thức của việc phụ thuộc vào các nguồn tài chính bên ngoài cao và nguồn thu của chính phủ thấp.

Những phát triển về mặt cơ cấu, chẳng hạn như các chỉ số về quản trị và GDP bình quân đầu người vẫn đang tụt hậu so với các nước có cùng thứ hạng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục