Indonesia đặt mục tiêu đưa Ngân hàng BSI lọt top 10 ngân hàng Hồi giáo hàng đầu thế giới

08:44' - 19/03/2021
BNEWS Mặc dù Indonesia bắt đầu triển khai hệ thống tài chính Hồi giáo khá muộn, nhưng với tư cách là một quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất, Indonesia có những lợi thế riêng.

Phát biểu với Hiệp hội các nhà kinh tế Indonesia (ISEI), Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp Nhà nước (BUMN) Erick Thohir cho biết nước này đặt mục tiêu đưa Ngân hàng PT Syariah Indonesia (BSI) lọt top 10 ngân hàng Hồi giáo hàng đầu thế giới, khi tài sản của ngân hàng này vượt 240.000 tỷ rupiah, tương đương 17,1 tỷ USD, sau khi hợp nhất một số ngân hàng quốc doanh.

Theo ông Thohir, chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ ban lãnh đạo của BSI để có thể hiện thực hóa những lý tưởng cao đẹp nhằm tạo ra một hệ sinh thái Sharia toàn diện không chỉ ở Indonesia mà còn trên thế giới.

Mặc dù so với các quốc gia khác, Indonesia bắt đầu triển khai hệ thống tài chính Hồi giáo khá muộn, nhưng với tư cách là một quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất, Indonesia có những lợi thế riêng.

Indonesia được dự đoán sẽ có 184 triệu người trưởng thành theo đạo Hồi, trong đó hơn 50% thuộc tầng lớp trung lưu và hầu hết làm việc trong khu vực tư nhân.

Hiện các dịch vụ tài chính Hồi giáo đang phát triển với tốc độ nhanh chóng ngay cả khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.

Tài sản ngân hàng Hồi giáo năm 2020 tăng 10,9%, trong khi tài sản ngân hàng thông thường chỉ đạt mức tăng 7,7%. Tương tự như vậy, với các quỹ của bên thứ ba, ngân hàng Hồi giáo ghi nhận mức tăng 11,56%, cao hơn một chút so với các ngân hàng thông thường đăng ký mức tăng 11,49%.

Về tài chính, ngân hàng Hồi giáo ghi nhận mức tăng trưởng lớn nhất là 9,4%, vượt xa ngân hàng thông thường chỉ tăng 0,55%. Ngoài ra, thị phần của thị trường vốn Hồi giáo đã đạt 17,39%, và số hợp tác xã tiết kiệm, cho vay và tài trợ Sharia đạt 4115 đơn vị.

Bộ trưởng Thohir tin rằng sự phát triển của kinh tế và tài chính Hồi giáo ở Indonesia cũng đã thu hút được sự tán thưởng từ cộng đồng quốc tế trong năm 2020. Điều này được thể hiện rõ khi Báo cáo phát triển tài chính Hồi giáo 2020 xếp Indonesia ở vị trí thứ hai trên toàn cầu và Chỉ số kinh tế Hồi giáo toàn cầu 2020 xếp nước này ở vị trí thứ tư.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Indonesia đã có kế hoạch trong sự phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các bên liên quan, bao gồm cả cộng đồng và các nhóm tôn giáo. Hơn nữa, tăng cường chuỗi giá trị Halal, tài chính Hồi giáo, doanh nghiệp nhỏ và vừa (MSME) và lĩnh vực kỹ thuật số là bốn chiến lược chính sẽ giúp Indonesia ứng phó với mọi thách thức và có thể biến cơ hội thành tăng trưởng thận trọng và bền vững./.

>>Khai trương ngân hàng Hồi giáo lớn nhất Indonesia

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục