FTA EU-Mercosur sẽ mang lại nhiều lợi ích thương mại

09:35' - 19/12/2023
BNEWS Phó giám đốc Cơ quan kinh tế OECD, nhấn mạnh Brazil, quốc gia thành viên khối Mercosur, cần mở rộng hơn nữa trao đổi thương mại với thế giới.

Ngày 18/12, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khuyến nghị Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và Brazil cần cải cách chính sách thuế quan, đồng thời nhanh chóng đạt được thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU).

 
Phát biểu tại thủ đô Brasilia, bà Isabell Koske, Phó giám đốc Cơ quan kinh tế OECD, nhấn mạnh Brazil, quốc gia thành viên khối Mercosur, cần mở rộng hơn nữa trao đổi thương mại với thế giới.

Theo bà Koske, mức thuế quan của Brazil hiện ở mức khá cao so với mức trung bình của thế giới, ảnh hưởng đáng kể tới giá trị trao đổi thương mại của nền kinh tế số một Mỹ Latinh. Việc ký kết FTA giữa EU và Mercosur không những làm tăng khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế thành viên trong khối các nước Nam Mỹ, bao gồm Brazil, Argentina, Urugoay, Paragoay và Bolivia, mà còn đem lại nhiều lợi ích thương mại cho các quốc gia này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Brazil, Tatiana Rosito, khẳng định 5 quốc gia thành viên Mercosur đang nỗ lực để đạt được thỏa thuận FTA với EU, đồng thời bày tỏ mong muốn mở cửa thị trường nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh, thúc đẩy tính cạnh tranh.

Brazil, chủ tịch luân phiên Mercosur, đang nỗ lực để hoàn thành việc ký kết thỏa thuận FTA với EU trong năm nay, sau khi khối này vừa đạt được FTA với Singapore hôm 7/12 vừa qua. Đây là lần đầu tiên sau 12 năm Mercosur đạt được một thỏa thuận thương mại với một đối tác ngoại khối.

Đàm phán giữa Mercosur và EU hiện gặp khó khăn do những đòi hỏi và yêu cầu liên quan tới lĩnh vực bảo vệ môi trường của các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp. Tuy nhiên, các thành viên tham gia đàm phán đều bày tỏ lạc quan về triển vọng sớm đạt được thỏa thuận sau hơn hai thập kỷ thương thuyết.

Năm 2022, trao đổi thương mại giữa Mercosur với các đối tác trên thế giới lên tới gần 753 tỷ USD, mức cao nhất kể từ khi tổ chức này ra đời vào năm 1991. Ngày 7/12 vừa qua, Bolivia được kết nạp vào Mercosur và trở thành thành viên chính thức thứ 5 của tổ chức này.

Hàn Quốc hiện cũng đang đàm phán FTA với Mercosur, khối kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là khu vực sản xuất hàng đầu về lương thực, nguyên liệu, năng lượng. Việt Nam cũng đang thúc đẩy đàm phán FTA với Mercosur.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục