FTA thúc đẩy thịnh vượng kinh tế ở vùng Vịnh

05:30' - 31/05/2023
BNEWS Báo Arab News của Saudi Arabia vừa đăng bài viết đánh giá vai trò quan trọng của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với sự thịnh vượng kinh tế của thế giới và khu vực vùng Vịnh.
Báo Arab News của Saudi Arabia vừa đăng bài viết của Tiến sĩ Abdulwahab Al-Sadoun, Tổng thư ký Hiệp hội Hóa chất và Hóa dầu vùng Vịnh, đánh giá về vai trò quan trọng của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với sự thịnh vượng kinh tế của thế giới nói chung và khu vực vùng Vịnh nói riêng. Nội dung bài viết như sau:

Thương mại tự do là nền tảng của một nền kinh tế cạnh tranh vì nó đóng góp vào sự thịnh vượng của bất kỳ quốc gia nào cũng như tạo ra các lợi ích về mặt kinh tế xã hội. Thương mại tự do cũng hỗ trợ tạo việc làm và thúc đẩy một ngành công nghiệp hiệu quả và cạnh tranh hơn.

Chính trị gia người Mỹ Benjamin Franklin từng nói: "Không có quốc gia nào bị hủy hoại bởi thương mại". Trong những thập kỷ qua, các quốc gia không những không bị tổn hại bởi thương mại mà còn thu được những lợi ích ngoài sức tưởng tượng, giúp họ thay đổi mức sống và tiếp cận nhiều hơn với hàng hóa có giá cạnh tranh.

Khu vực vùng Vịnh Arab là một trung tâm thương mại toàn cầu quan trọng, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu các dẫn xuất dầu mỏ và nguyên liệu thô ra thị trường thế giới.

Sau dầu khí, ngành công nghiệp hóa chất và hóa dầu là ngành công nghiệp lớn thứ hai trong khu vực và đóng một vai trò quan trọng trong các nền kinh tế của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Giá trị của dòng thương mại hóa chất trong GCC đạt 88,6 tỷ USD vào năm 2021, trong đó xuất khẩu chiếm 68,6 tỷ USD, tăng 56,5% về giá trị so với năm trước đó.

Đằng sau sự tăng trưởng này, thương mại hóa chất đang nổi lên ở vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự của khu vực. Năm 2021, khu vực vùng Vịnh Arab lập kỷ lục mới với thặng dư thương mại đạt 53,7 tỷ USD. mức cao nhất kể từ năm 2009.

Hơn nữa, sự tăng trưởng trong ngành công nghiệp hóa chất của GCC đã thúc đẩy tạo nhiều việc làm hơn. Năm 2021, ngành hóa chất tạo ra 53.900 việc làm trực tiếp, 107.800 việc làm gián tiếp và 48.500 việc làm phát sinh.

Mặc dù thương mại hóa chất trong khu vực đã sôi động trong ba năm qua, nhưng các cơ hội để cải thiện vị thế thương mại quốc tế của ngành hóa chất chắc chắn vẫn chưa được khai thác triệt để. Nhưng để đạt được điều đó, vai trò của các nhà hoạch định chính sách là vô cùng quan trọng nếu vùng Vịnh Arab muốn gia tăng các FTA và các hiệp định thương mại ưu đãi giữa GCC và các đối tác thương mại của mình.

Những thỏa thuận như vậy ngày càng được coi là có lợi cho tăng trưởng kinh tế của GCC cũng như tính bền vững của ngành hóa chất khu vực. Từ việc giúp nâng cao mức sống, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy đổi mới trong sản xuất và kết nối doanh nghiệp với người dân, các FTA có tiềm năng rất lớn trong việc làm cho các ngành công nghiệp bền vững hơn, cải thiện doanh thu, tạo thêm việc làm cho người dân bản địa và tạo điều kiện cho sự phát triển của các công nghệ tiên tiến.

Các FTA sẽ giúp các nước có hoạt động hạ nguồn tại vùng Vịnh Arab thúc đẩy đổi mới sáng tạo và trở nên cạnh tranh hơn trên toàn cầu. Các điều khoản mạnh mẽ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp giảm chi phí kinh doanh những hàng hóa nhạy cảm về sở hữu trí tuệ và thúc đẩy đổi mới trong các lĩnh vực, chẳng hạn như ngành công nghiệp hóa chất.

Các FTA không chỉ giảm và loại bỏ thuế quan, mà còn giúp vượt qua các rào cản "đằng sau biên giới". Do đó, các công ty có thể tập trung vào sản xuất và bán hàng hóa sử dụng tốt nhất các nguồn lực của họ, trong khi các doanh nghiệp khác có thể nhập khẩu các hàng hóa và nguyên liệu thô khan hiếm hoặc không có sẵn ở thị trường trong nước. Đó là tình huống đôi bên cùng có lợi. Các FTA đã được chứng minh là giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ trở nên cạnh tranh hơn và ít phụ thuộc hơn vào trợ cấp của chính phủ. Có thể khẳng định các FTA sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các cộng đồng địa phương, người tiêu dùng và các nền kinh tế nói chung.

Mặc dù các FTA có thể làm giảm nguồn thu của chính phủ, vốn đến từ thuế hải quan, nhưng sự sụt giảm nguồn thu này sẽ được bù đắp bằng cách cho phép hàng hóa xuất khẩu của GCC được tiếp cận các thị trường được bảo hộ. Việc tiếp cận các thị trường mới sẽ nâng cao lợi nhuận ròng của hàng hóa xuất khẩu trong khu vực và tạo ra doanh thu cao hơn cho các công ty hóa chất do các chính phủ GCC sở hữu.

Sự thay đổi về cấu trúc cung-cầu hóa chất, việc các nền kinh tế mới nổi chiếm thị phần ngày càng lớn trong thương mại quốc tế, các sự kiện thế giới như cuộc xung đột ở Ukraine, các thách thức về chuỗi cung ứng, đại dịch COVID-19 và chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng là những yếu tố tác động đáng kể đến hoạt động thương mại quốc tế. Vì vậy, các FTA mới sẽ có những cơ hội nào? GCC có tỷ trọng thương mại cao nhất với Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Do đó, các FTA với Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mang lại nhiều lợi ích. Nếu GCC có kế hoạch ký các hiệp định như vậy, điều cần thiết là phải biết hàng hóa nào được sản xuất hiệu quả nhất và lựa chọn các lĩnh vực có lợi nhất để tối đa hóa lợi ích.

Sách trắng do Hiệp hội Hóa chất và Hóa dầu vùng Vịnh công bố mới đây đã chia sẻ những hiểu biết có thể giúp các nhà hoạch định chính sách đánh giá được tác động kinh tế tiềm ẩn của một FTA. Đây là cuốn sách phải đọc đối với bất kỳ ai muốn nâng cao hiểu biết về các FTA và vai trò quan trọng của chúng trong ngành hóa chất.

Tóm lại, khi dân số toàn cầu vượt 9 tỷ người vào năm 2050, nhu cầu về hóa chất và chất dinh dưỡng nông nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng, tạo ra áp lực chưa từng có đối với ngành hóa chất trong việc cung cấp hàng hóa cho dân số toàn cầu đang bùng nổ.

Ngành hóa chất của GCC có tiềm năng lớn để hưởng lợi từ sự gia tăng nhu cầu trên toàn cầu, dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Để đảm bảo vùng Vịnh có thể thực hiện thành công mục tiêu này, khu vực cần một khung chính sách thương mại quốc tế và nội địa mạnh mẽ, giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán FTA vốn bị đình trệ trong nhiều thập kỷ qua và đánh giá cẩn thận các rủi ro và nhược điểm của một thỏa thuận tiềm năng.

Ngành hóa chất rất quan trọng đối với sự thịnh vượng và tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu nói chung và GCC nói riêng. Do đó, các nước nên có trách nhiệm cùng nhau hợp tác trong kỷ nguyên thương mại mới này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục