Xu hướng phát triển kinh tế-xã hội ở các nước vùng Vịnh

05:30' - 12/03/2023
BNEWS Giai đoạn hậu dầu mỏ có thể biến các chế độ quân chủ bảo thủ thành các xã hội cởi mở và tự do hơn, nhưng điều đó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về bất ổn hơn.

Dự báo về tình hình phát triển xã hội ở các nước vùng Vịnh, tạp chí Le Nouvel Economiste của Pháp nhận định giai đoạn hậu dầu mỏ sẽ biến các chế độ quân chủ bảo thủ thành các xã hội cởi mở và tự do hơn, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về bất ổn hơn.

Trong khi các quốc gia vùng Vịnh đang phải đối mặt với quá trình chuyển đổi khó khăn để rời xa nhiên liệu hóa thạch trong những thập kỷ tới, thì một quá trình chuyển đổi khác cũng đang diễn ra song song và cũng đáng chú ý không kém. Đó là sự chuyển đổi từ các nền kinh tế nhà nước và các chuẩn mực xã hội bảo thủ sang các hình thái xã hội cởi mở và tự do hơn. Triển vọng này đang được chào đón vì hàng triệu người sẽ được hưởng lợi từ các quyền tự do và cơ hội mới.
Nhưng điều này cũng tạo ra sự lo lắng, bởi vì cùng với sự cởi mở thì nguy cơ gây bất ổn xã hội cũng sẽ tăng cao nếu các chính phủ không kịp thích ứng. Việc các quốc gia vùng Vịnh xác định lại các thỏa thuận xã hội của họ là rất quan trọng, không chỉ đối với người dân, mà còn đối với toàn thế giới, vì họ có ảnh hưởng rất lớn trong lĩnh vực dầu khí, cũng như có vai trò quan trọng trong việc truyền bá các giá trị văn hóa trong thế giới Hồi giáo.
Một thỏa thuận xã hội đến nay vẫn rất hạn chế
Kể từ khi các chính phủ vùng Vịnh giành quyền kiểm soát sản xuất dầu khí từ các công ty phương Tây vào những năm 1970, một thỏa thuận xã hội đã được hình thành. Các quốc gia có chủ quyền đã sử dụng đô la dầu mỏ để "nuông chiều" các thần dân của họ bằng các vị trí việc làm tốt trong nhà nước, cấp nước sạch miễn phí và tiền thưởng cho các cặp đôi hưởng tuần trăng mật. Người nước ngoài được khuyến khích định cư ở vùng Vịnh để đảm nhận những nhiệm vụ mà công dân của họ không thể - hoặc không muốn - làm. Những người di cư này không thể trở thành công dân, cho dù họ là những người lao động đổ mồ hôi trên các công trường xây dựng hay nhân viên ngân hàng trong các văn phòng máy lạnh. Và tất cả mọi người, kể cả dân bản địa hay người nước ngoài, đều phải tuân thủ chế độ hoàng gia nghiêm khắc.
Nhưng những thỏa thuận xã hội này đang trở nên ngày càng lỗi thời. Một trong những lý do cho điều này là biến đổi khí hậu. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia, hiện đang khai thác 14 triệu thùng dầu mỗi ngày. Họ đều biết rằng nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm và họ chỉ có một khoảng thời gian từ 10 đến 20 năm để chuyển đổi nền kinh tế. Cuộc xung đột ở Ukraine đã dẫn đến giá năng lượng tăng vọt, có thể giúp các quốc gia vùng Vịnh kiếm được 3.500 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng trong 5 năm tới, tạo cho họ một khoản tiền lớn để đầu tư cho quá trình chuyển hướng kinh tế trong thời gian tới. Bối cảnh địa chính trị cũng đã thay đổi. Sự hỗ trợ của Mỹ đã giảm dần, trong khi các mối quan hệ chặt chẽ hơn đang được củng cố với các quốc gia khác, từ Ấn Độ đến Israel.
Một số trong những thay đổi là đáng kinh ngạc trong tiến bộ xã hội ở các nước này, đó là ở Saudi Arabia, phụ nữ vốn không được phép lái xe, giờ đã được trang bị động cơ 4 bánh để đi làm. Năm 2017, 17% phụ nữ Saudi Arabia có việc làm hoặc đang tìm kiếm việc làm. Ngày nay tỷ lệ này đã tăng lên 37%. Các nhà hàng trước kia từng bị cấm chơi nhạc giờ đã có thể làm được điều này. Thậm chí đang có những cuộc đàm phán về việc nới lỏng lệnh cấm rượu.
Tự do thông qua cải cách kinh tế
Saudi Arabia đang trong quá trình tự do hóa và UAE đã tiến hành những cuộc cải cách nhất định, nhưng vẫn mong muốn duy trì vị trí thống trị của mình. Vương quốc Hồi giáo láng giềng Oman và Qatar giàu khí đốt hơn, có vẻ bảo thủ hơn, nhưng họ cũng đang nghe ngóng. Bằng chứng là Qatar mới đây đã cùng Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) tổ chức Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup), điều này cho thấy tín hiệu cởi mở hơn.
Sự tự do có thể giúp xoa dịu nỗi đau do cải cách kinh tế gây ra. Ví dụ như UAE đã loại bỏ trợ cấp nhiên liệu, phúc lợi xã hội bị cắt giảm. Saudi Arabia có thể sẽ làm theo. Kể từ năm 2018, bốn trong số sáu quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh đã áp dụng thuế giá trị gia tăng. Thuế thu nhập, từng là điều không tưởng, giờ đây cũng là một khả năng đang được xem xét.
Vào tháng Sáu, UAE sẽ áp dụng thuế doanh nghiệp. Vị trí việc làm quan trọng trong nền công vụ đang ngày càng ít, công dân vùng Vịnh đang phải vật lộn để kiếm được việc làm trong khu vực tư nhân. Chính phủ của họ rất muốn thu hút nhiều người nước ngoài hơn. UAE, nơi người nước ngoài chiếm gần 90% dân số trong tổng số 10 triệu người, muốn thu hút thêm từ 3-5 triệu lao động nước ngoài.
Tất cả điều này tạo ra một cảm giác không an toàn, nhưng cũng tự do hơn. Công dân vùng Vịnh sẽ cần các công cụ để thành công trong kỷ nguyên mới này và giáo dục sẽ là một điểm khởi đầu tốt. Trẻ em đi học ở Qatar, Saudi Arabia và UAE hiện đang tụt hậu xa so với bạn bè của chúng ở các nước giàu. Tỷ lệ bỏ học cao vì học sinh - đặc biệt là nam sinh - cho rằng họ có thể kiếm một vị trí việc làm trong cơ quan dân sự. Việc thụ hưởng một nền giáo dục tốt hơn sẽ giúp người dân có khả năng cạnh tranh hơn khi tìm kiếm việc làm trong khu vực tư nhân.
Các quốc gia lắng nghe người dân hơn
Một thách thức khác liên quan đến mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân. Nhà nước đã công nhận nhiều quyền và lợi ích của cá nhân hơn, ít nhất là trên giấy tờ. Tại UAE, luật mới hợp pháp hóa quan hệ tình dục trước hôn nhân và cho phép các cặp đôi chưa kết hôn chung sống với nhau. Hình phạt cho quấy rối tình dục và cưỡng hiếp đã được tăng cường. UAE và Saudi Arabia đang tăng cường quyền sở hữu cho người nước ngoài. Con đường trở thành thường trú nhân, và thậm chí có thể là quốc tịch, có thể sẽ trở nên dễ dàng hơn. Những người nước ngoài định cư nơi này một ngày nào đó có thể được hưởng các quyền lợi như người bản địa.
Các chính phủ cũng sẽ phải tính đến sự bất mãn khi những biến động về kinh tế sẽ tạo ra những kẻ thất nghiệp, điều chắc chắn sẽ xảy ra. Theo các chuyên gia địa chính trị, không có quốc gia vùng Vịnh nào có khả năng sớm trở thành một nền dân chủ. Nhưng nếu họ muốn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch ra khỏi nền kinh tế mà không gây ra tình trạng bất ổn xã hội, thì các chính phủ nên cởi mở hơn đối với các công dân của họ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục