FTA với EU - cơ hội giúp Philippines vực dậy nền kinh tế

06:00' - 12/07/2020
BNEWS Giữa bối cảnh đại dịch đang tạo ra các hậu quả tiêu cực Philippines nên tận dụng thời điểm này để "vực dậy" các cuộc đàm phán và bảo đảm FTA Philippines-EU tạo động lực giúp phục hồi kinh tế bền vững.

Trong bài viết đăng trên trang Diễn đàn Đông Á, chuyên gia nghiên cứu về đối ngoại Stacey Nicole M Bellido, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế tại Viện dịch vụ đối ngoại Philippines, nhận định rằng đây là thời điểm quan trọng để Philippines thúc đẩy các cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU). 

EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Philippines và là đối tác thương mại lớn thứ 4 tại quốc gia này. Trong giai đoạn 2018-2019, quy mô thương mại với các quốc gia thành viên EU chiếm gần 10% tổng giao dịch thương mại của Philippines.

Theo tác giả, Philippines hiện đang có động lực lớn để tăng cường giao dịch với EU thông qua Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập mở rộng (GSP+). 

Thỏa thuận ưu đãi này cho phép hàng hóa xuất khẩu của Philippines được miễn thuế khi vào EU, phủ rộng trên 2/3 tổng số dòng thuế của khối này. Ngược lại, để được hưởng các ưu đãi từ GSP+, Philippines phải thực thi hiệu quả cam kết của các công ước quốc tế về phát triển bền vững và quản trị vĩ mô tốt.

Xuất khẩu của Philippines vào EU đã tăng 27% mỗi năm kể từ khi GPS+ được thực thi vào năm 2014. GPS+ góp phần tạo ra lợi ích kinh tế xã hội quan trọng cho cộng đồng địa phương và nông thôn của Philippines

Điều này phản ánh thông qua việc có hơn 200.000 việc làm mới trong các lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất. Điều kiện để duy trì GPS+ là Chính phủ Philippines cần đảm bảo duy trì cam kết quốc tế về nhân quyền và lao động, bảo vệ môi trường và quản trị vĩ mô hiệu quả.

Đầu năm nay, Phái đoàn EU đã chia sẻ rằng họ ưu tiên GPS+ hơn là tiềm năng của thỏa thuận thương mại Philippines - EU. Đây được xem là nền tảng điều hành hợp tác kinh tế cùng chính quyền Philippines hiện hành. 

Tuy nhiên, việc tuân thủ các cam kết theo GSP+ của Philippines vẫn ở mức khiêm tốn do những lo ngại về việc vi phạm nhân quyền.

Các đặc quyền GPS+ sẽ hết hạn vào cuối năm 2023. Do đó, Philippines cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy hiệu quả các cuộc đàm phán cùng EU, nếu quốc gia này mong muốn FTA với EU sớm đạt được trong vòng vài năm tới.

Các cuộc đàm phán chính thức FTA Philippines - EU đã bắt đầu từ năm 2015, nhưng hai bên mới chỉ gặp nhau hai lần để thảo luận về FTA. Đàm phán đã bị đình trệ trong ba năm do thái độ thiếu thân thiện của Tổng thống Rodrigo Duterte đối với EU và những lo ngại từ phía EU đối với các cam kết GSP+ của Philippines.

Tổng thống Duterte đã nhiều lần lên tiếng phản đối EU vì hành động can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Philippines. Trong khi đó, phía EU cũng từng công khai chỉ trích về "cuộc chiến chống ma túy" của Philippines và hỗ trợ mạnh mẽ cho một cuộc điều tra liên quan đến vi phạm nhân quyền tại quốc gia này. 

Mối quan hệ song phương càng trở nên căng thẳng hơn khi Tổng thống Duterte, người đã từ chối các gói viện trợ của EU, bỏ qua những lời mời tham dự các diễn đàn đa phương và đe dọa trục xuất các đại sứ EU tại Philippines. Việc "hồi sinh" các cuộc đàm phán vốn bị đình trệ cũng là một vấn đề chính trị, chứ không chỉ liên quan tới kinh tế.

Tác giả đánh giá có hai động lực chính để Philippines hiện thực hóa FTA với EU. 

Thứ nhất, Philippines đã có một vị trí tại thị trường EU thông qua GSP+ và FTA hiện có với các quốc gia thuộc Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), bao gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ. 

Thứ hai, FTA Philippines - EU sẽ đưa Philippines ngang hàng với các quốc gia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác hiện đang tăng cường theo đuổi mối quan hệ kinh tế bền chặt hơn với EU.

FTA Philippines - EU được xây dựng dựa trên lợi ích của GSP+. Điều này hứa hẹn giúp tăng cường tiếp cận thị trường cho các nhà xuất khẩu của Philippines trong tất cả lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và ngư nghiệp đến các quốc gia EFTA. 

FTA cho phép đầu tư và chuyển giao công nghệ từ các quốc gia phát triển cao chảy vào nền kinh tế Philippines. 

Thỏa thuận cũng mở rộng đáng kể chỗ đứng của Philippines tại thị trường EU, đồng thời cho phép nước này tiếp cận với một mạng lưới các thỏa thuận thương mại ưu đãi rộng khắp EFTA, bên ngoài EU.

Nếu không đặt ưu tiên cho FTA Philippines - EU, Philippines sẽ tiếp tục bị tụt hậu hơn so với các đối tác ASEAN. Singapore và Việt Nam đã có các FTA với EU và Indonesia đang nỗ lực để hoàn thành FTA của mình. Một FTA EU - ASEAN, mục tiêu cuối cùng, sẽ là bước tiếp cận gần hơn để hiện thực hóa FTA Philippines - EU trên bàn đàm phán.

Philippines nên cố gắng đáp ứng điều kiện trong nước, để cho phép FTA Philippines - EU được hiện thực hóa. Cải cách cơ chế quan trọng nên được xem xét, chẳng hạn như đẩy nhanh Đạo luật Phục hồi Công ty và Ưu đãi Thuế cho các Doanh nghiệp (CREATE) và đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật số. 

CREATE góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn bằng cách loại dần những hạn chế của luật đầu tư nước ngoài, trong khi các chính sách hỗ trợ đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số sẽ hỗ trợ truy cập vào các kết nối kỹ thuật số khi Philippines điều chỉnh để thúc đẩy số hóa. 

Nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, ưu tiên vào phát triển dự án cơ sở hạ tầng hàng đầu và loại bỏ tình trạng tham nhũng cũng là những lĩnh vực chính cần cải cách.

Ngoài ra, Philippines cần thể hiện là một đối tác ổn định và đáng tin cậy cả trong và ngoài các vấn đề kinh tế, do quốc gia này vốn được coi là "một đối tác thường xuyên thay đổi ý định". 

Cả hai bên cũng nên điều chỉnh các điểm đàm phán được đề xuất của FTA để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của thế giới sau đại dịch COVID-19.

Các cuộc đàm phán FTA có thể được thúc đẩy bởi chính quyền Philippines tiếp theo vào năm 2022. Trong thời điểm hiện tại, Philippines có thể tăng cường nỗ lực thực thi cam kết GSP+, đặc biệt là về nhân quyền và tiêu chuẩn lao động, để sẵn sàng trở thành đối tác lâu dài của EU.

Kết thúc bài viết, tác giả nhận định các cuộc đàm phán FTA Philippines - EU đã bị chậm lại, nhưng cuộc khủng hoảng COVID-19 và hậu quả mà nó mang lại trong tương lai kêu gọi sự hành động. 

FTA Philippines - EU cần được đưa vào bất kỳ kế hoạch nào vì mục đích phục hồi kinh tế sau đại dịch. 

Hiệp định này sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng và khẳng định rằng thương mại công bằng, cởi mở là con đường hướng tới sự phục hồi và thịnh vượng kinh tế của cả hai bên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục