Fujifilm Holdings đầu tư vào lĩnh vực chip bán dẫn tại Ấn Độ

11:26' - 07/05/2025
BNEWS Tập đoàn Fujifilm Holdings (Nhật Bản) sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn tại Ấn Độ để cung cấp cho một dự án chip được Chính phủ nước này hỗ trợ.
Tập đoàn hy vọng khai thác được chuỗi cung ứng đang phát triển tại Ấn Độ khi hoạt động sản xuất công nghệ cao chuyển dịch khỏi Trung Quốc.

Theo kế hoạch, công ty Nhật Bản sẽ tiến hành mua đất để xây dựng nhà máy tại bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ, trong năm nay. Việc xây dựng dự kiến sẽ bắt đầu sớm nhất vào năm 2026, và Fujifilm đặt mục tiêu đưa nhà máy đi vào hoạt động vào khoảng năm 2028.

 
Tổng số vốn đầu tư cho dự án này ước tính lên tới hàng tỷ yen (tương đương 7 triệu USD cho mỗi tỷ yen). Fujifilm hiện đang nghiên cứu sản xuất các loại hóa chất chuyên dụng để loại bỏ tạp chất trong quá trình sản xuất chip. Bên cạnh đó, công ty cũng đang tìm cách phát triển thêm các giải pháp và sản phẩm khác tại nhà máy này.

Trong giai đoạn đầu, Fujifilm sẽ ưu tiên cung cấp vật liệu cho Tata Electronics, đơn vị sản xuất chip của tập đoàn Tata Group (Ấn Độ). Tata Electronics đang hợp tác với Powerchip Semiconductor Manufacturing Corp. (Đài Loan, Trung Quốc) để xây dựng một nhà máy tại Gujarat. Nhà máy này sẽ đảm nhận các công đoạn sản xuất chip hoàn chỉnh.

Nhà máy liên doanh này dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động sớm nhất vào năm 2026 và sản xuất chip hoàn thiện để sử dụng trong ngành công nghiệp ô tô.

Chính phủ Ấn Độ và Tata Electronics đều kỳ vọng vào việc xây dựng một chuỗi cung ứng bán dẫn nội địa vững mạnh vì lý do an ninh kinh tế. Chuỗi cung ứng này bao gồm cả nguyên liệu thô, mà hiện tại phần lớn đang được sản xuất tại Trung Quốc.

Trong thời gian nhà máy ở Gujarat chưa đi vào hoạt động, Fujifilm dự kiến sẽ cung cấp sản phẩm cho Ấn Độ từ các nhà máy hiện có của công ty tại châu Âu, Mỹ và các khu vực khác ở châu Á.

Ngoài Tata Electronics, tập đoàn Nhật Bản cũng có kế hoạch cung cấp vật liệu cho các cơ sở sản xuất chip khác tại Ấn Độ và đang xem xét khả năng xuất khẩu sang các thị trường khác ở châu Á.

Hoạt động sản xuất bán dẫn từ lâu đã tập trung chủ yếu ở một số khu vực như Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên, do chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19 và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, chính phủ nhiều quốc gia đang tăng cường hỗ trợ sản xuất trong nước.

Vào năm 2021, Ấn Độ đã công bố kế hoạch đầu tư 760 tỷ rupee (tương đương 9,02 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại) vào lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn và màn hình tinh thể lỏng.

Các công ty nước ngoài đã nhanh chóng tham gia vào ngành chip đang phát triển của Ấn Độ, trong đó có Renesas Electronics (Nhật Bản). Công ty này đã thành lập liên doanh với một tập đoàn địa phương và đang tiến hành xây dựng một nhà máy ở Gujarat để thực hiện các công đoạn lắp ráp và kiểm tra chip.

Với tiềm năng mở rộng mạnh mẽ của thị trường Ấn Độ, các nhà sản xuất vật liệu và thiết bị sản xuất chip của Nhật Bản cũng đang lên kế hoạch kinh doanh tại quốc gia này.

Sumitomo Chemical đang nghiên cứu khả năng cung cấp hóa chất tẩy rửa cho thị trường Ấn Độ. Trong khi đó, nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron sẽ thành lập một cơ sở mới tại Ấn Độ trong năm nay để tập trung vào thiết kế và phát triển phần mềm cho các thiết bị sản xuất của họ.

Xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, một phần do chính sách thuế quan của Mỹ, và điều này đang tạo động lực lớn cho sự trỗi dậy của Ấn Độ trong lĩnh vực công nghệ cao. Tuần trước, Giám đốc điều hành Apple, Tim Cook, cho biết phần lớn iPhone bán ra tại Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 4-6 tới sẽ được sản xuất tại Ấn Độ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục