G20 cần hành động để khôi phục đầu tư và thương mại toàn cầu

07:28' - 13/09/2016
BNEWS Hội nghị G20 đã tạo niềm tin rằng các động lực tăng trưởng truyền thống cho đầu tư và thương mại có thể được khôi phục, nhưng để hiện thực hóa cam kết, các nước phải có những hành động cụ thể.
Các nhà lãnh đạo G20 tại Hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: ĐSQ Trung Quốc tại Việt Nam
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã tạo niềm tin rằng các động lực tăng trưởng truyền thống cho đầu tư và thương mại có thể được khôi phục, nhưng để hiện thực hóa cam kết, các nước phải có những hành động cụ thể.

Tại cuộc họp trong hai ngày 4-5/9 vừa qua, lãnh đạo các nước thành viên G20, những nước chiếm 80% thương mại toàn cầu, đã nhất trí xây dựng chiến lược thúc đẩy thương mại toàn cầu và các nguyên tắc chỉ đạo cho việc hoạch định chính sách đầu tư. Hai chính sách này, nếu được thực thi hiệu quả, sẽ có ý nghĩa to lớn đối với tăng trưởng trên toàn cầu vào lúc thương mại tự do và toàn cầu hóa đang vấp phải những trở ngại vô vàn trở ngại.

Thương mại toàn cầu đã tăng chậm lại, từ mức tăng trung bình trên 7%/năm trong giai đoạn 1990-2008 xuống dưới 3% trong giai đoạn 2009-2015. Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), năm ngoái là năm thứ tư liên tiếp thương mại toàn cầu tăng thấp hơn mức tăng trưởng GDP. Cùng với tình trạng giảm sút kéo dài này, chủ nghĩa bảo hộ có vẻ đang nổi lên. Kể từ tháng 10/2008, 2.800 biện pháp hạn chế thương mại đã được các nước thành viên WTO áp dụng, 75% trong số này vẫn đang có hiệu lực.

Để làm hồi sinh động lực tăng trưởng, các nước thành viên G20 đã nhất trí thông qua Thỏa thuận tạo thuận lợi thương mại vào cuối năm 2016, và cam kết sử dụng Nhóm làm việc về đầu tư và thương mại (mới được thành lập) để có các cách tiếp cận mới góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại toàn cầu và sự phối hợp trong chính sách đầu tư.

Dù tạo tiền đề cho sự phát triển, các chính sách trên sẽ là vô ích nếu không có những hành động cụ thể của các nước thành viên G20. Theo nhà phân tích Liu Zhiqin thuộc Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang, Đại học Nhân dân Trung Quốc, phương hướng và lộ trình đã được đề ra, tất cả giờ phụ thuộc vào việc các nước quyết tâm đến đâu trong việc triển khai các chính sách. Ông chỉ ra rằng chủ nghĩa bảo hộ sẽ vẫn là trở ngại lớn khi các nguyên tắc chỉ đạo của G20 không mang tính ràng buộc và nhiều nước có thể ưu tiên cho các lợi ích riêng trước mắt hơn là những lợi ích của nền kinh tế toàn cầu.

Là nước giữ chức Chủ tịch luân phiên G20 và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đã gia tăng các nỗ lực của mình. Tuy nhiên, ông Liu cho rằng nỗ lực của một nước là không đủ nên các nước cần hành động phối hợp để thực hiện thành công kế hoạch của G20.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục