Gần 80% kiến nghị của doanh nghiệp được phản hồi và giải quyết

16:52' - 31/01/2020
BNEWS Theo VCCI, đã có 2.500 kiến nghị trên tổng số 3.300 kiến nghị từ phía cộng đồng doanh nghiệp gửi tới các bộ, ngành và địa phương đã được giải quyết trong 3 năm 2016-2019.
Gần 80% kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp được giải quyết từ năm 2016-2019. Ảnh minh họa: TTXVN

Thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tới năm 2020, trong 3 năm (2016-2019)  thông qua các kênh thông tin như Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội doanh nghiệp... đã có gần 3.300 kiến nghị từ phía cộng đồng doanh nghiệp gửi tới các bộ, ngành và địa phương đề nghị xem xét, giải quyết, trả lời những vướng mắc, khó khăn cần được tháo gỡ.

Hiện đã có hơn 2.500 kiến nghị được phản hồi và giải quyết, chiếm tới 78,5% trên tổng số các ý kiến từ doanh nghiệp.

"Đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ “thiện chí” của các bộ, ngành và địa phương trong nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển và cũng cho thấy, tác động tích cực từ các chủ trương, chính sách mà Chính phủ cùng toàn thể hệ thống chính trị đang tiến hành nhằm tới mục tiêu phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng hùng cường, giàu mạnh và bền vững.", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI bình luận.

Mới đây, VCCI đã báo cáo Chính phủ về tổng hợp và đánh giá tình hình giải quyết kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp giai đoạn 2016-2019.

Qua đó cho thấy, số lượng kiến nghị của doanh nghiệp có xu hướng giảm theo thời gian, chứng tỏ việc giải quyết kiến nghị đã có hiệu quả hơn và khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp có xu hướng giảm dần. Tỷ lệ giải quyết kiến nghị đạt gần 80% là mức độ khá cao.

Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ do Văn phòng Chính phủ điều hành là kênh thông tin chủ yếu tiếp nhận các kiến nghị của doanh nghiệp, chiếm 86% số lượng các kiến nghị được tổng hợp qua các kênh thông tin để chuyển các bộ ngành, địa phương giải quyết.

Một số bộ, ngành nhận được nhiều kiến nghị nhất từ phía doanh nghiệp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội…; trong đó, riêng Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chiếm gần 50% tổng số kiến nghị hàng năm.

Có thể thấy rằng, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, việc tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, nhất là trong một số lĩnh vực mà doanh nghiệp thường gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: logistics, đầu tư, xây dựng cơ bản, xuất nhập khẩu, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tích tụ và tập trung đất đai, phát triển công nghiệp hỗ trợ…

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, theo phản ánh của doanh nghiệp, trước đó, việc trả lời hay giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp là khá khó khăn, rất ít trường hợp doanh nghiệp được các bộ ngành, địa phương trả lời kiến nghị bằng văn bản.

Sau lần đầu tiên diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vào đầu năm 2016, tỷ lệ trả lời  kiến nghị của doanh nghiệp do VCCI chuyển đến các bộ ngành đã đạt 45%.

Cùng với đó, sau khi đưa vào hoạt động Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (vào cuối năm 2016), tỷ lệ trả lời kiến nghị doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương đã đạt 76,1% và sau 4 năm (2016-2019) tỷ lệ trả lời kiến nghị doanh nghiệp của các bộ ngành đã đạt gần 80%.

Việc đăng công khai nội dung kiến nghị và các cơ quan bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm trả lời đã có tác dụng tốt trong việc nâng cao tỷ lệ trả lời và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Đây cũng là minh chứng cho sự chuyển biến tích cực của các cơ quan Chính phủ theo tinh thần “Chính phủ kiến tạo”.

Không những thế, các bộ, ngành cũng đã chủ động tiếp nhận và giải quyết kịp thời kiến nghị của doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ và VCCI chuyển tới khá đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn. Tiêu biểu là các bộ, ngành như: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao hay UBND Thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế…

Cách thức tổ chức tiếp nhận, chuyển giao kiến nghị của doanh nghiệp thông qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, phiếu chuyển kiến nghị của Văn phòng Chính phủ và việc theo dõi sát sao việc giải quyết kiến nghị của VCCI với các bộ, ngành, địa phương đã thực sự phát huy tác dụng rõ rệt.

Từ đó, góp phần quan trọng tăng số lượng kiến nghị từ doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và tạo “áp lực” hành chính để các bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc nghiên cứu, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp.

Tổ công tác về Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cũng đã hoạt động rất hiệu quả, sâu sát, nhất là đối với các lĩnh vực “nóng” về thủ tục hành chính.

Điều này giúp tạo chuyển biến tích cực của các bộ, ngành, địa phương trong việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện phương thức và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả tích cực, báo cáo của VCCI cũng nêu, vẫn còn có trên 705 kiến nghị của doanh nghiệp chưa được trả lời, giải quyết, tương đương khoảng 20% trên tổng số các kiến nghị được gửi đi. 

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết thêm, năm 2019, VCCI tiến hành 2 cuộc khảo sát nhanh đối với gần 1.000 doanh nghiệp có kiến nghị gửi các bộ, ngành, địa phương.

Qua đó, có 40,7% doanh nghiệp trả lời chưa hài lòng và 37,9% doanh nghiệp trả lời hài lòng về việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp từ phía các bộ, ngành.

Bên cạnh đó, 31,6% doanh nghiệp trả lời chưa hài lòng và 27,7% doanh nghiệp trả lời hài lòng về việc giải quyết kiến nghị của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Lý do chưa hài lòng với việc trả lời, giải quyết kiến nghị mà các doanh nghiệp bày tỏ chủ yếu là: nội dung trả lời còn chung chung, nặng về giải thích mà không giải quyết đúng vấn đề mà doanh nghiệp kiến nghị.

Một số doanh nghiệp cho rằng, cần phải sửa đổi các quy định của pháp luật mới giải quyết được, nhưng việc sửa đổi tiến hành chậm.

Có không ít doanh nghiệp phản ánh, cơ quan chức năng chỉ ghi nhận kiến nghị mà không giải quyết hay có trả lời nhưng không đúng nội dung kiến nghị…

Với tỷ lệ cao các doanh nghiệp hay hiệp hội doanh nghiệp còn chưa hài lòng đối với việc trả lời kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, dư địa để cải cách, đổi mới và để các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương thay đổi là rất lớn, ông Lộc nhấn mạnh.

Năm 2020 chắc chắn sẽ tiếp tục là năm mà doanh nghiệp và cả nền kinh tế kỳ vọng được chứng kiến những thành quả của nỗ lực đổi mới mà Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đang nỗ lực hết mình vì doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục