Gắn kết hợp tác xã kiểu mới với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực

09:02' - 17/10/2020
BNEWS Việc ưu tiên phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, nhiều hợp tác xã kiểu mới tại Nam Định đã trở thành hạt nhân liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp.

Với các chính sách ưu tiên phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực có quy mô lớn và sức lan tỏa, nhiều hợp tác xã kiểu mới tại Nam Định đã trở thành hạt nhân liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên và người lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được phần lớn các hợp tác xã vẫn trong tình trạng khát vốn, thiếu nhân lực có trình độ và đòi hỏi tiếp tục được tháo gỡ.

Vì vậy, để khơi thông những điểm nghẽn này, đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước triển khai hiệu quả các chính sách đã ban hành để trợ lực kịp thời cho kinh tế tập thể phát triển.

Sức bật phát triển

Được thành lập năm 2014, ban đầu Hợp tác xã Dịch vụ Linh Phát tại Hải Hậu - Nam Định chỉ có 8 thành viên và chủ yếu trồng, cung ứng các sản phẩm nấm ăn, nấm linh chi, nấm bào ngư.

Với phương châm sản xuất xanh-sạch, ngay khi bắt tay vào vận hành hợp tác xã, ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Linh Phát đã liên kết với Trung tâm công nghệ sinh học thực vật để cung cấp các giống nấm khoẻ loại 1.

Cùng với đó, sau khi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, ông Nguyễn Văn Thành đã cùng các thành viên thu mua mùn cưa từ cây keo, cao su không có tinh dầu và độc tố tại Nam Định, Quảng Bình, Thanh Hóa và rơm rạ từ lúa, bã mía, lõi ngô để làm nguyên liệu trồng nấm.

Với những thành công từ mô hình nuôi trồng nấm, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ Linh Phát đã tăng lên nhiều hơn so với trước, lao động thường xuyên đã lên tới 45 người.

Đặc biệt, để đón lõng thị trường, hợp tác xã đã đầu tư dây chuyền công nghệ, máy móc để sản xuất trà nấm linh chi hoà tan và rượu nấm linh chi bồi bổ sức khoẻ.

Ngay khi tung ra thị trường, các sản phẩm này đã được người tiêu dùng đón nhận, thị trường cũng nhờ đó mà được mở rộng hơn và 3 sản phẩm tiêu biểu của hợp tác xã đều đứng trong danh sách OCOP của tỉnh Nam Định.

Ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ, nhằm tạo đầu ra ổn định, các sản phẩm của hợp tác xã trồng và ký hợp đồng lâu dài với các công ty chuyên thu mua tại địa phương cũng như nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.

Chẳng hạn như sản phẩm nấm linh chi được hợp tác xã cung cấp tại các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh với sản lượng trung bình hàng năm khoảng 5 tấn, đạt doanh thu khoảng 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, các loại nấm ăn khác như nấm sò, nấm trắng…thu hoạch quanh năm, được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Điện Biên, Tuyên Quang, Sơn La… với sản lượng gần 50 tấn/năm, doanh thu trung bình 1 tỷ đồng...

Không dừng lại ở đó, hợp tác xã còn tận dụng các sản phẩm phụ như giá thể sau trồng nấm được sử dụng làm phân bón vi sinh vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân trên địa bàn huyện, vừa góp phần tăng thu nhập cho chính hợp tác xã và giảm thiểu rác thải ra môi trường.

Ông Nguyễn Văn Thành cho biết, hợp tác xã đang ấp ủ việc đầu tư xây dựng mô hình sản xuất nấm trong nhà kính với quy mô 4 nghìn m2 với kinh phí lên tới 5 tỷ đồng.

Hợp tác xã còn bắt tay với Viện Di truyền nông nghiệp để nghiên cứu các loại giống F1 nhằm chủ động được nguồn giống cũng như bán phôi nấm để gia tăng lợi nhuận.

Ở một hướng đi khác, Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh và dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định chuyên nuôi các loại cá trắm đen, trắm trắng, chép, lăng, cá đối mục, tôm thẻ chân trắng cung cấp cho thị trường Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội, Hà Nam và các cửa hàng lớn trên địa bàn.

Ông Lê Văn Bản-Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã cho biết, nếu như trước đây những con cá loại 1 kg đã đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thì hiện nay thị trường đang hướng đến những loại cá to, chắc thịt và được nuôi theo phương thức sạch không tăng trọng.

Bởi vậy, hợp tác xã đã thu mua cá biển khi vào vụ, ướp và bảo quản để chế biến thành thức ăn nuôi cá nuôi cùng với cám gạo, đậu tương, tôm, mật mía, ngô, tỏi ủ lên men, đáp ứng nhu cầu sản xuất theo hướng nuôi trồng thủy sản sạch, đồng thời giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

Theo ông Lê Văn Bản, bình quân hàng tháng, toàn hợp tác xã giảm được trên 200 triệu đồng chi phí thức ăn nuôi.

Hơn nữa, để tạo chuỗi liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm, hợp tác xã còn kết nối với Công ty TNHH Thủy sản Hùng Vương, Hợp tác xã Tiến Đạt, Công ty Vina HTC cung cấp nguyên liệu cho xưởng chế biến thức ăn chăn nuôi; ký kết với một số doanh nghiệp, nhà hàng lớn trong và ngoài tỉnh tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, sản phẩm cá lăng của hợp tác xã được sản xuất theo liên kết chuỗi bao gồm các khâu nuôi trồng, đánh bắt, sơ chế, đóng gói đều khép kín dưới sự giám sát, kiểm tra nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, với quá trình nuôi áp dụng cho ăn giảm đạm, tăng chất xơ, tạo chất lượng thịt chắc và thơm ngon, sản phẩm được thị trường ưa chuộng.

Hiện tại hợp tác xã đang thực hiện quy trình xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm cá lăng cắt khúc để đưa vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng sạch.

Tháo gỡ rào cản

Ông Trần Văn Phiệt- Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nam Định cho hay, nhằm giúp các hợp tác xã phát triển bền vững, những năm qua Nam Định đã có các chính sách khuyến khích dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện để các hợp tác xã giải quyết bài toán về quỹ đất.

Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh còn hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận thị trường, định hướng sản phẩm chủ lực, tìm các nhà đầu tư, doanh nghiệp để liên kết, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm.

Đặc biệt, hàng năm Liên minh Hợp tác xã tỉnh đều tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, trang bị kiến thức quản trị kinh doanh cho đội ngũ cán bộ hợp tác xã nhằm đổi mới tư duy phát triển kinh tế, tiếp cận thị trường, kết nối với các doanh nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Trần Văn Phiệt, để quảng bá thương hiệu sản phẩm và kết nối liên kết sản xuất, kinh doanh giữa hợp tác xã với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh cũng hỗ trợ hợp tác xã tham gia các chương trình hội chợ xúc tiến thương mại.

Nhờ vậy, ngày càng có thêm nhiều hợp tác xã sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, cơ sở vật chất, công nghệ sản xuất hiện đại, tiềm lực tài chính mạnh, đủ khả năng mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Trần Văn Phiệt khẳng định, thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tiếp tục tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nói chung, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản nói riêng.

Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã tỉnh sẽ chung tay hỗ trợ  tháo gỡ khó khăn, phát triển toàn diện các loại hình hợp tác xã theo hướng từng bước ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của hợp tác xã, đảm bảo phát triển bền vững và đủ năng lực cạnh tranh trong hội nhập./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục