Giá cà phê tăng cao, doanh nghiệp và nông dân có được hưởng lợi?

11:27' - 24/05/2023
BNEWS Hơn một tháng nay, giá cà phê liên tục tăng theo chiều thẳng đứng, đạt ngưỡng 60.000 đồng/kg nhân tại các tỉnh Tây Nguyên. Theo đánh giá, đây là mức giá cà phê cao nhất trong vòng 15 năm qua.

Lý giải giá cà phê tăng cao, ngành công thương tỉnh Đắk Lắk và các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhận định, thị trường đang chịu tác động mạnh mẽ bởi quy luật cung - cầu. Việt Nam đứng đầu thế giới về sản lượng cà phê Robusta.

 

Nhu cầu về cà phê Robusta những năm gần đây liên tục tăng, trong khi sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam đang giảm khoảng 10 - 15% khiến nguồn cung thiếu hụt. Ngoài ra, tình hình lạm phát thời gian qua làm cho giá nguyên, nhiên vật liệu đều tăng, nhất là giá vật tư nông nghiệp tăng từ 2 – 3 lần làm giá thành sản xuất, chế biến cà phê tăng cao dẫn đến giá bán tăng.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) – đơn vị xuất khẩu gần 101.000 tấn cà phê nhân năm 2022 cho biết, Simexco Đắk Lắk dự đoán giá cà phê tăng trong mức kỷ lục của 15 năm qua là 56.000 đồng/kg cà phê nhân, tăng đến mức giá như hiện nay là không lường trước được. Thời điểm này, hầu như cà phê trong dân không còn, doanh nghiệp do chịu áp lực tài chính nên mua đến đâu bán đến đó, ít doanh nghiệp còn trữ hàng để bán. Một số doanh nghiệp còn hàng trong kho thì hầu như đã chốt đơn hàng, chốt giá, chỉ còn khâu giao hàng. Do đó, một số nhà xuất khẩu đối mặt với tình trạng thiếu hàng, không đủ hàng để giao trong những tháng cuối năm.

Lý giải về sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam giảm 10 - 15%, theo ông Lê Đức Huy, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nông dân đầu tư tái canh hạn chế nên sản lượng cà phê giảm. Bên cạnh đó, do cơn sốt đất ở Tây Nguyên năm 2021 - 2022, giá đất nông nghiệp tăng quá cao, tâm lý làm nông không còn quan trọng dẫn đến nông dân đầu tư chăm sóc kém vườn cà phê. Mặt khác, những năm qua, giá cà phê không cao, nhu cầu về quả sầu riêng năm 2022 tăng mạnh dẫn đến nhiều hộ dân chuyển diện tích trồng cà phê sang trồng sầu riêng.

Ông Lê Đức Huy nhấn mạnh, cây cà phê có tính thanh khoản tốt, thời gian bảo quản sau thu hoạch lâu và không bị ép giá, không cần phải giải cứu, người dân có thể bán bất kỳ khi nào. Thương hiệu của cà phê Robusta Việt Nam đã có, Tây Nguyên cũng đã hình thành vựa cà phê lớn của thế giới. Do đó, nông dân cần duy trì diện tích cây cà phê, chăm sóc theo hướng chất lượng cao, cà phê đặc sản. Ngoài ra, người dân cần lưu ý một số cảnh báo mới của các thị trường khó tính trong sản xuất, như vậy, cây cà phê sẽ đảm bảo sinh kế bền vững cho nông dân.

Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, 4 tháng đầu năm 2023, tỉnh xuất khẩu khoảng 165.000 tấn cà phê nhân, giữ được tốc độ xuất khẩu cà phê so với các năm trước. Giá cà phê tăng cao làm kim ngạch xuất khẩu tăng. Tuy nhiên, thụ hưởng của người dân và doanh nghiệp hiện nay khi giá cà phê tăng không nhiều.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Ngọc Dương nhận định, doanh nghiệp cà phê trên địa bàn tỉnh còn yếu về vốn, nguồn nhân lực, năng lực tham gia vào các thị trường lớn còn hạn chế và tính liên kết chưa cao. Thời gian tới, ngành công thương đồng hành giải quyết 4 hạn chế mà doanh nghiệp gặp phải. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục khuyến khích đa dạng sản phẩm và chế biến sâu từ cà phê; tạo điều kiện cho doanh nghiệp cà phê tiếp cận nguồn vốn vay, tham mưu nâng cao vai trò của hiệp hội ngành hàng.

Đánh giá về việc giá cà phê tăng cao, ông Trần Đình Trọng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Công bằng Ea Tu (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, giá tăng kéo theo vốn sản xuất của hợp tác xã tăng 20 – 30%. Song giá cà phê tăng cao, về lâu dài, người nông dân được hưởng lợi nhiều nhất. Quan trọng nhất là giá cà phê tăng, người dân không chuyển sang trồng sầu riêng nữa, cố gắng chăm sóc vườn cây, đầu tư tốt hơn sẽ cho năng suất tốt. Với 43/49 thành viên là hộ dân tộc thiểu số, hợp tác xã tiếp tục khuyến cáo thành viên và nông dân trồng giống mới, kháng bệnh, chất lượng tốt, năng suất cao và chuyển dần sang cà phê hữu cơ.

“Khi nông dân chung tay cùng hợp tác xã sản xuất cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản thì hợp tác xã luôn thu mua giá cao cho nông dân, không lo giá cả thị trường biến động. Khi chất lượng tốt, người bán quyết định giá bán cà phê, không phải người mua quyết định giá” -  ông Trần Đình Trọng nhấn mạnh./.

Tin liên quan

  • Nâng cao uy tín và giá trị cà phê Việt Hàng hoá

    Nâng cao uy tín và giá trị cà phê Việt

    15:10' - 27/04/2023

    Ngày 27/4, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức hội thảo “5 năm thi cà phê đặc sản Việt Nam” với dự tham của lãnh đạo các sở, ngành liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, hợp tác xã và doanh nghiệp.


Tin cùng chuyên mục