Giá dầu châu Á đi xuống trong phiên giao dịch 17/9

17:04' - 17/09/2021
BNEWS Giá dầu tại châu Á đi xuống trong phiên giao dịch 17/9, giữa lúc nguồn cung dầu từ khu vực Vịnh Mexico của Mỹ tăng trở lại sau khi bị gián đoạn bởi hai cơn bão lớn mới đây.

Tuy nhiên, giá của hai loại dầu chủ chốt này vẫn hướng tới mức tăng hơn 3% trong tuần này.

Tại thị trường châu Á chiều 17/9, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 42 xu Mỹ (0,6%), xuống 72,19 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng mất 35 xu Mỹ (0,5%), xuống 75,32 USD/thùng.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ) cho biết, giá dầu giảm nhẹ do sản lượng khai thác dầu ngoài khơi của Mỹ tiếp tục tăng trở lại với tốc độ chậm, và việc bình thường hóa ở một số khu vực tại châu Á gặp trở ngại sau một thời gian phong tỏa xã hội, trong khi một số quốc gia vẫn đang nỗ lực để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.

Tuy vậy, cả hai loại dầu chủ chốt này vẫn tăng hơn 3% trong tuần, do sản lượng dầu ở Vịnh Mexico của Mỹ đã phục hồi chậm hơn dự kiến sau khi cơn bão Ida làm hư hại các cơ sở sản xuất vào tháng Tám vừa qua, còn cơn bão nhiệt đới Nicholas tiếp tục đổ bộ vào tuần này.

Ông Moya nhận định, giá dầu thô vẫn ghi nhận một tuần giao dịch tích cực, bất chấp sự suy yếu đối với các mặt hàng được định giá bằng đồng USD khác. Đồng bạc xanh tăng lên mức cao nhất trong ba tuần vào ngày 17/9, khiến nhập khẩu dầu thô giao dịch bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn đối với các quốc gia sử dụng loại tiền tệ khác.

Tính đến ngày 16/9, khoảng 28% sản lượng dầu thô ở Vịnh Mexico của Mỹ vẫn chưa phục hồi, hai tuần rưỡi sau khi bão Ida đổ bộ.

Dữ liệu sơ bộ từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, xuất khẩu dầu thô của nước này trong tháng 9/2021 đã giảm xuống từ 3 triệu thùng/ngày vào cuối tháng Tám, xuống khoảng 2,34-2,62 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế trong tuần này cho thấy, tồn kho dầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) giảm xuống mức thấp trong tháng 11/2020, dấu hiệu cho thấy nhu cầu nhiên liệu toàn cầu có thể sẽ phục hồi vượt xa nguồn cung trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục