Giá dầu châu Á chiều 25/4 giảm xuống mức thấp của hai tuần

15:34' - 25/04/2022
BNEWS Giá hai loại dầu chủ chốt này đã giảm gần 5% trong tuần trước do những lo ngại về nhu cầu.

Giá dầu châu Á giảm xuống mức thấp của hai tuần trong chiều 25/4, nới rộng mức giảm so với tuần trước đó do những lo ngại gia tăng về các biện pháp phong tỏa kéo dài tại Thượng Hải và khả năng Mỹ tăng lãi suất sẽ làm “tổn thương” đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu đối với nhiên liệu.

Lúc 13 giờ 44 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc giảm 3,93 USD/thùng (3,7%) xuống 102,72 USD/thùng. Giá dầu Brent kỳ hạn này đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 12/4 là 102,47 USD/thùng.

Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 3,8 USD/thùng (3,7%) xuống 98,27 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 12/4 là 98,05 USD/thùng. Giá hai loại dầu chủ chốt này đã giảm gần 5% trong tuần trước do những lo ngại về nhu cầu.

Giám đốc điều hành công ty quản lý tài sản SPI Asset Management (Thụy Sỹ), Stephen Innes cho biết giá dầu đi xuống do hoạt động tiêu dùng tại Trung Quốc bị ảnh hưởng, trong khi việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất làm chậm nền kinh tế Mỹ.

Các quan chức Thượng Hải đã dựng hàng rào bên ngoài các tòa nhà dân cư, làm dấy lên làn sóng phản đối kịch liệt của người dân về biện pháp phong tỏa, đã buộc phần lớn dân số 25 triệu của thành phố này ở trong nhà.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã chỉ ra rằng việc tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm "sẽ được đưa ra thảo luận" khi Fed nhóm họp vào đầu tháng Năm.

Về vấn đề nguồn cung, các công ty năng lượng Mỹ đã bổ sung thêm dầu và các giàn khoan khí đốt tự nhiên trong tuần thứ năm liên tiếp giữa lúc giá dầu tăng cao.

Tại châu Âu, đường ống dẫn dầu Caspian Pipeline Consortium (CPC), một trong những đường ống quan trọng của thế giới do Nga và Kazakhstan đồng sở hữu, đã nối lại hoàn toàn hoạt động xuất khẩu từ ngày 22/4 sau gần 30 ngày gián đoạn để sửa chữa.

Một số nhà phân tích cho biết cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ tại Ukraine có thể làm tăng sức ép lên Liên minh châu Âu (EU) để trừng phạt dầu Nga, và giá dầu thậm chí có thể tăng cao hơn vào cuối năm nay.

Tờ The Times ngày 25/4 đưa tin EU đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt đối với nhập khẩu dầu nhập khẩu của Nga. Nga là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của châu Âu và là nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia. Việc ông Emmanuel Macron giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp có thể hỗ trợ giá dầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục