Giá dầu châu Á giảm trong phiên ngày 17/3

16:42' - 17/03/2017
BNEWS Tại châu Á chiều 17/3 giá dầu Brent Biển Bắc giảm 10 xu Mỹ (0,19%) xuống 51,64 USD/thùng, còn giá dầu gọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 3 xu Mỹ (0,06%) xuống 48,72 USD/thùng.
Giá dầu châu Á phiên ngày 17/3 giảm. Ảnh: AP/TTXVN

Trong phiên ngày 17/3 tại thị trường châu Á, giá dầu sụt giảm trong bối cảnh thị trường tìm kiếm manh mối về hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhằm giải quyết tình trạng dư cung dai dẳng trên toàn cầu.

Tại châu Á chiều 17/3 giá dầu Brent Biển Bắc giảm 10 xu Mỹ (0,19%) xuống 51,64 USD/thùng, còn giá dầu gọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 3 xu Mỹ (0,06%) xuống 48,72 USD/thùng.

Giá “vàng đen” đã giảm mạnh trong tuần trước do những lo ngại rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài OPEC, trong đó có Nga, không làm giảm nguồn cung nhanh như dự kiến khi phải đối mặt với sự sản lượng gia tăng tại Mỹ.

Trong một thông báo, ngân hàng ANZ cho biết “Bộ trường Dầu mỏ Saudi Arabia Khalid Al-Falih vẫn bày tỏ sự quan ngại đối với tình trạng nguồn dự trữ dầu toàn cầu cao. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh thị trường hiện đang đi đúng hướng và những nguyên tắc cơ bản đã được cải thiện”.

Bộ trưởng Khalid Al-Falih nói thêm rằng nếu dự trữ dầu vẫn cao, OPEC có thể gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu.

Số liệu chính thức cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ, nước tiêu thụ nhiên liệu hàng đầu thế giới, đã giảm trong tuần trước do nhập khẩu giảm, lần giảm đầu tiên sau chín tuần tăng liên tiếp. Trong tuần kết thúc ngày 10/3, dự trữ dầu thô đã giảm khoảng 237.000 thùng, trái ngược so với đồn đoán tăng 3,7 triệu thùng.

Các nước trong và ngoài OPEC, trong đó có Nga, đã đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt hồi năm ngoái nhằm cắt giảm sản lượng khoảng gần 1,8 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2017. Tuy nhiên, báo cáo hàng tháng của OPEC cho thấy dự trữ dầu toàn cầu trong tháng Một đã tăng lên 278 triệu thùng, cao hơn mức trung bình 5 năm.

Trong một dấu hiệu rằng những nỗ lực của OPEC dường như không có hiệu quả, hoạt động xuất khẩu dầu sang thị trường châu Á đã tăng 3% kể từ khi thỏa thuận cắt giảm được thực thi.

Trong 14 ngày đầu tiên của tháng Ba, xuất khẩu dầu của Iraq trung bình ở mức 3,25 triệu thùng/ngày, giảm nhẹ so với mức 3,27 triệu thùng/ngày của cùng kỳ tháng Hai. Tuy nhiên, mức giảm này không nhiều như dự kiến.

>>> Giá dầu thế giới đảo chiều đi xuống

>>> Giá dầu châu Á đi lên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục