Giá dầu đi lên tại thị trường châu Á phiên 30/12

17:50' - 30/12/2020
BNEWS Trong phiên giao dịch chiều 30/12, giá dầu tại thị trường châu Á đi lên.

Trong phiên giao dịch chiều 30/12, giá dầu tại thị trường châu Á đi lên nhờ việc thông qua gói cứu trợ của Chính phủ Mỹ liên quan đến đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và sự suy giảm dự trữ dầu thô của nước này.

Phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 35 xu Mỹ (0,7%), lên 51,44 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao kỳ hạn cũng tiến 30 xu Mỹ (0,6%), lên 48,30 USD/thùng.

Stephen Innes, Giám đốc chiến lược thị trường của công ty môi giới Axi nhận định rằng, giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi đồng USD yếu. Cùng với đó, báo cáo của Viện Dầu khí Quốc gia Mỹ (API) ngày 30/12 cũng góp phần thúc đẩy giá dầu. Theo API, dự trữ dầu của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 25/12 đã giảm 4,8 triệu thùng, xuống khoảng 492,9 triệu thùng, vượt mức dự báo của giới phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Reuters là giảm 2,6 triệu thùng.

Chỉ số đồng USD, thước đo đánh giá diễn biến của đồng bạc xanh đối với 6 đồng tiền chủ chốt khác, đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, giữa bối cảnh giới đầu tư đang xem xét sự chậm trễ mới trong việc giải ngân gói cứu trợ liên quan đến đại dịch COVID-19 của Mỹ và vẫn duy trì kỳ vọng vào một gói cứu trợ bổ sung. Đồng USD hạ khiến các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác, qua đó đẩy giá “vàng đen” đi lên.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn đà tăng của giá dầu có thể bị hạn chế do những lo ngại về việc phong tỏa xã hội liên quan đến đại dịch COVID-19, giữa bối cảnh một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19 được phát hiện tại Vương quốc Anh đang khiến nhiều nước siết chặt các quy định hạn chế đi lại, gây ảnh hưởng tiêu cực tới giá dầu.

Trong khi đó, nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch trong những năm tới có thể vẫn giảm ngay cả sau đại dịch COVID-19 khi các quốc gia đang tìm cách hạn chế khí thải để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu. Các công ty dầu mỏ lớn như BP Plc và Total SE, đã công bố các dự báo rằng  nhu cầu dầu toàn cầu có thể đã đạt đỉnh vào năm 2019.

Vào ngày 4/1 tới, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, được gọi là OPEC +, sẽ tiến hành cuộc họp chính sách. OPEC + đang cắt giảm sản lượng dầu kỷ lục trong năm nay, qua đó hỗ trợ thị trường năng lượng nhờ việc cân bằng cán cân cung-cầu. OPEC+ dự kiến tăng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày vào tháng 1/2021 và Nga đang đề xuất một mức tăng tương tự vào tháng 2/2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục