Giá dầu mất gần 4% trong tuần qua do lo ngại Fed tăng lãi suất

14:30' - 11/03/2023
BNEWS Giá dầu thế giới tăng trong phiên 10/3 nhưng vẫn giảm gần 4% trong cả tuần sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo lãi suất sẽ cần phải tăng hơn mức dự đoán trước đó để kiểm soát lạm phát.

Phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 4/2023 tăng 96 xu (tương đương 1,3%) lên 76,68 USD/thùng.

Giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu giao tháng 5/2023 cũng tiến 1,19 USD (1,5%) lên mức 82,78 USD/thùng.

 

Yếu tố nâng đỡ giá dầu trong phiên này là báo cáo việc làm mới nhất của Mỹ cho thấy số lượng việc làm mới được tạo ra trong tháng 2/2023 cao hơn dự kiến, làm dấy lên một số triển vọng trái ngược nhau.

Trong tháng trước, Chính phủ Mỹ báo cáo rằng nền kinh tế đã tạo ra 311.000 việc làm mới trong tháng Hai, nhiều hơn so với con số 225.000 việc làm mà thị trường dự kiến.

Một mặt, các số liệu khả quan về thị trường lao động có thể thúc đẩy Fed tăng lãi suất mạnh hơn. Nhưng mặt khác, đó cũng có thể coi là yếu tố hỗ trợ cho giá dầu, vì một nền kinh tế khỏe mạnh là tín hiệu tốt cho nhu cầu năng lượng.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Powell trong lời phát biểu trước Thượng viện hôm thứ Ba (7/3) đã cảnh báo rằng lãi suất sẽ cần phải tăng cao hơn so với suy nghĩ trước đây để kiểm soát lạm phát. Đồng thời, ông để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm khi các nhà hoạch định chính sách họp vào cuối tháng Ba.

Sau đó một ngày, trước một ủy ban Hạ viện, Chủ tịch Powell nhắc lại rằng hiện chưa có quyết định nào được đưa ra về quy mô đợt tăng lãi suất tháng Ba, nhấn mạnh tầm quan trọng của các số liệu sẽ được công bố sắp tới.

Nhìn chung, những lo lắng về lãi suất và rủi ro xảy ra suy thoái kinh tế đã trở lại “phủ bóng” lên thị trường năng lượng.

Trong phiên đầu tuần, giá dầu thế giới tiếp tục đà đi lên của tuần trước, khi các nhà giao dịch không lo ngại về nhu cầu liên quan tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm nay của Trung Quốc. Giá dầu WTI giao tháng 4/2023 tăng 78 xu Mỹ, hay 0,98%, lên chốt phiên ở mức 80,46 USD/thùng tại New York. Giá dầu Brent giao tháng 5/2023 tăng 35 xu Mỹ, hay 0,41%, lên 86,18 USD/thùng tại London.

Sang phiên 7/3, giá dầu thế giới giảm gần 3 USD sau khi bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell làm dấy lên lo ngại về việc lãi suất sẽ lên cao hơn và tạo thêm sức ép lên nhu cầu năng lượng. Phiên này, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 2,89 USD và chốt phiên ở mức 83,29 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng mất 2,88 USD và đóng cửa ở mức 77,58 USD/thùng. Đây là những mức giảm trong một ngày tính theo phần trăm lớn nhất đối với cả hai loại dầu tiêu chuẩn kể từ ngày 4/1.

Phiên 8/3, dù lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm nhiều hơn dự doán, giá dầu thế giới vẫn giảm trước những lo ngại các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ hơn của Mỹ sẽ đè nặng tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu. Khép lại phiên này, giá dầu Brent giảm 63 xu Mỹ xuống 82,66 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giảm 92 xu và đóng phiên ở mức 76,66 USD/thùng.

Đà giảm của giá dầu thế giới tiếp tục trong phiên 9/3, khi các nhà giao dịch tập trung vào các rủi ro suy thoái, bao gồm số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 4/3 vượt dự báo. Giá dầu WTI giao tháng 4/2023 giảm 94 xu xuống 75,72 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 5/2023 giảm 1,07 USD xuống 81,59 USD/thùng.

Dù tăng trong phiên 10/3, giá dầu WTI và Brent vẫn giảm lần lượt 3,8% và 3.6% trong tuần qua. Cả hai loại dầu đều đánh dấu mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 17/2.

Ông Manish Raj, Giám đốc điều hành của công ty môi giới đầu tư trong lĩnh vực năng lượng Velandera Energy Partners cho biết, thị trường dầu thô đang bị kẹt giữa lạm phát cao ngất và thị trường việc làm khởi sắc. Một báo cáo việc làm mạnh hơn và triển vọng không mấy tươi sáng theo lời của ông Powell đã tái khẳng định niềm tin rằng Fed không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng lãi suất lên cao hơn nữa.

Ông Ricardo Evangelista, nhà phân tích cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính ActivTrades cho biết lập trường của ông Powell rất “diều hâu”. Hiện thị trường định giá Fed sẽ điều chỉnh lãi suất tăng mạnh hơn, đồng thời lãi suất cuối kỳ cao hơn và có thể đạt 6%.

Kết quả là khả năng xảy ra suy thoái tăng lên kéo theo nhu cầu dầu đi xuống, khiến giá “vàng đen” giảm khi các thương nhân bắt đầu đặt cược vào tình trạng kinh tế suy thoái – một hệ quả từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở Mỹ.

Tuy nhiên, một báo cáo việc làm khả quan cho thấy nền kinh tế có khả năng phục hồi và có thể chống chịu lãi suất quỹ liên bang cao hơn vào thời điểm hiện tại.

Ông Matt Parry, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dài hạn tại công ty nghiên cứu thị trường năng lượng Energy Aspects nói rằng trong vài tuần tới thị trường năng lượng có thể sẽ “không ổn định”, với việc giao dịch dầu mỏ “không có định hướng rõ ràng”.

Đến nửa cuối năm nay, thị trường sẽ chứng kiến các điều kiện cơ bản thắt chặt, với việc Trung Quốc có khả năng mở cửa trở lại nền kinh tế nhanh hơn, ít phức tạp hơn và hỗ trợ nhu cầu năng lượng cao hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục