Giá dầu thế giới tăng hơn 2% phiên đầu tuần 15/6

09:07' - 16/06/2020
BNEWS Giá dầu thế giới tăng hơn 2% trong phiên giao dịch đầu tuần 15/6, khi xuất hiện các tín hiệu cho thấy nhu cầu dầu mỏ đang phục hồi.

 

Thêm vào đó, việc các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã góp phần bù đắp cho những quan ngại rằng làn sóng lây nhiễm mới dịch COVID-19 có thể tiếp tục “nhấn chìm” nền kinh tế thế giới.

Kết thúc phiên này, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 86 xu Mỹ (2,4%), lên 37,12 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc cũng tiến 99 xu Mỹ (2,6%), lên 39,72 USD/thùng.

Giá dầu đi xuống vào đầu phiên này song đã nhanh chóng lấy lại đà tăng sau khi Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) bày tỏ sự tin tưởng rằng các nước OPEC+ chưa thực sự tuân thủ các thỏa thuận cắt giảm sản lượng sẽ thực hiện cam kết của họ và báo cáo cho thấy nhu cầu dầu mỏ đang có xu hướng gia tăng.

Một hội đồng giám sát do OPEC dẫn dắt sẽ nhóm họp vào ngày 18/6 để thảo luận về việc liệu các quốc gia có đưa ra mức giảm sản lượng hay không.

Iraq đã nhất trí với các công ty dầu khí lớn của nước này để cắt giảm sản lượng dầu thô vào tháng 6/2020. Trong khi đó, Saudi Arabia cũng đã giảm sản lượng xuất khẩu dầu thô vào tháng Bảy.

Sản lượng dầu thô của Trung Quốc trong tháng 5/2020 đã tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, khi các nhà tinh chế dầu độc lập tăng cường hoạt động để đáp ứng nhu cầu phục hồi nhiên liệu sau khi nới lỏng các lệnh phong tỏa.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, sản lượng dầu của Mỹ  dự kiến sẽ giảm trong tháng 7/2020, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2018.

Tuy nhiên, mối quan ngại về làn sóng bùng phát mới dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn. Sau gần hai tháng không có ca mắc mới, các quan chức Bắc Kinh đã báo cáo 79 trường hợp mắc COVID-19 trong bốn ngày qua, làm dấy lên lo ngại về sự bùng phát dịch bệnh tại một trong những thành phố đông dân nhất thế giới.

Dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang vật lộn để trở lại con đường tăng trưởng. Sản lượng công nghiệp trong tháng 5/2020 của nước này tăng 4,4% so với một năm trước đó, ít hơn dự kiến ban đầu. Trong khi Bộ Kinh tế Đức cho hay, sản lượng kinh tế của Đức sẽ giảm mạnh hơn nữa trong quý II/2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục