Giá dầu Ural xuất khẩu rơi vào vùng âm, Nga có thể không tăng sản lượng dầu

10:34' - 02/04/2020
BNEWS Giá cấu thành để bán dầu thô của Nga, giúp xác định giá dầu, đã ở mức âm, và các nhà cung cấp lo rằng nếu giai đoạn giá thấp tiếp tục kéo dài, lợi nhuận bán dầu sẽ bằng 0 hoặc thậm chí âm.

Theo Argus, giá FIP (free of pile - nghĩa là người bán phải giao hàng tới đường ống ở Tây Siberia) ở mức âm 1.007 ruble/tấn vào ngày 30/3, và âm 1.200 ruble/tấn vào ngày 31/3.

Theo Phó Chủ tịch của Argus, Victor Parno, giá FIP Tây Siberia được tính là netback (thuật ngữ chỉ giá xuất khẩu trừ chi phí vận chuyển, thuế xuất khẩu và một số chi phí khác), trong khi giá dầu Ural trung bình bán theo điều kiện giao hàng CIF (Chi phí, Bảo hiểm và Vận tải, nghĩa là trong thành phần gồm giá hàng hóa, tiền bảo hiểm và phí vận chuyển đến cảng đích) từ Nizhnevartovsk ở khu tự trị Khanty-Mansiysk, khu vực khai thác gần một nửa số dầu của Nga, đến cảng Rotterdam và cảng Augusta của Italy.

Giá FIP Tây Siberia âm nghĩa là trong hai ngày qua, chi phí giao dầu từ Tây Siberia và thuế xuất khẩu đã cao hơn giá dầu Ural bán ở Tây Bắc Âu và Địa Trung Hải, ông Parno giải thích.

Theo Argus, trong tháng Ba, giá dầu này của Nga vẫn ở mức dương, dù nó đã giảm khoảng 12.500 rubble mỗi tấn so với tháng Hai.

Xuất khẩu dầu sẽ không đem lại lợi nhuận nếu tình hình giá dầu thấp hiện nay tiếp tục kéo dài. Theo Phó Chủ tịch Argus, các doanh nghiệp Nga sẽ không còn lợi nhuận nếu xuất khẩu dầu Ural ở mức 15-16 USD/thùng (CIF Rotterdam) theo tỷ giá hối đoái và cước vận tải hiện nay. Ngày 30/3, giá một thùng dầu Ural đã giảm xuống mức 13 USD.

Trước đó, ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu khai thác trên đất liền có thể âm. Các nhà phân tích của ngân hàng này nêu tên các quốc gia dễ bị tổn thương nhất là Nga, Mỹ, và Canada.

Trong một thông tin có liên quan, hãng tin Bloomberg dẫn một nguồn tin giấu tên trong Chính phủ Nga cho biết các công ty khai thác dầu nước này đã quyết định không tăng sản lượng dầu từ ngày 1/4 như dự kiến trước đó.

Nguồn tin cũng phủ nhận thông tin trước đó rằng Moskva đang đàm phán bí mật với Riyadh.

Phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, ngày 1/4 cũng cho biết, Điện Kremlin không đàm phán với Saudi Arabia, dù không loại trừ khả năng đối thoại như vậy.

Như dự kiến, Saudi Arabia từ ngày 1/4 đã tăng sản lượng khai thác dầu lên hơn 12 triệu thùng/ngày.

Trước đó, các quan chức vương quốc này cho biết đã sẵn sàng tăng sản lượng lên 12,3 triệu thùng/ngày, cao hơn 1/3 so với sản lượng tháng Ba.

Saudi Arabia muốn tăng tổng lượng "vàng đen" xuất khẩu lên 10,6 triệu thùng/ngày bằng cách chuyển một phần nguồn cung cho thị trường nội địa sang xuất khẩu.

Tình hình nghiêm trọng trong ngành công nghiệp dầu mỏ cuối tuần qua đã dẫn đến mức giá tiêu cực đối với các loại dầu giá rẻ của Mỹ. Một số nhà khai thác Mỹ đã buộc phải trả thêm tiền cho các thương nhân để giảm tồn kho.

Về vấn đề này, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 31/3 thông báo với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng Nga, Mỹ và Saudi Arabia sẽ cùng nhau thảo luận cách thoát khỏi tình hình hiện nay trên thị trường hydrocarbon toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục