Giá dầu, vàng đồng loạt giảm tại châu Á

15:52' - 10/09/2024
BNEWS Tại thị trường châu Á, giá dầu giảm do nhu cầu dầu của Trung Quốc yếu, còn giá vàng cũng giảm trước thềm báo cáo lạm phát của Mỹ. Ở chiều ngược lại, thị trường chứng khoán châu Á hầu hết tăng điểm.
*Giá vàng giảm nhẹ trước thềm báo cáo lạm phát của Mỹ

Giá vàng tại châu Á giảm nhẹ trong phiên giao dịch chiều 10/9, do đồng USD mạnh lên, trong khi thị trường đang chờ đợi số liệu lạm phát quan trọng của Mỹ để có thêm mạnh mối về quy mô giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới.

Vào đầu giờ chiều nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống còn 2.502,80 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn ổn định ở mức 2.532 USD/ounce.

Đồng USD đã chạm mức cao nhất trong một tuần, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.

 
Thị trường đang hướng sự chú ý đến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ dự kiến được công bố vào ngày 11/9 và Chỉ số giá sản xuất (PPI) vào ngày 12/9. Chỉ số CPI được dự đoán sẽ tăng 0,2% trong tháng Tám so với tháng trước đó, không thay đổi so với tháng Bảy.

Chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong của công ty IG cho biết: "Số liệu lạm phát được dự đoán sẽ cho thấy lạm phát giảm hơn nữa và cung cấp tín hiệu cho Fed giảm lãi suất ... Nếu không có bất ngờ lớn trong số liệu, giá vàng sẽ vẫn được hỗ trợ tốt trên mức 2.500 USD/ounce. Chúng tôi dự đoán giá vàng sẽ chạm mức hơn 2.660 USD trong những tháng tới".

Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý không có lãi suất cố định như  như vàng. Fed gần như chắc chắn sẽ giảm lãi suất vào tuần tới. Thị trường dự đoán khả năng 71% Fed sẽ giảm 0,25 điểm phần trăm và 29% giảm 0,5 điểm phần trăm, theo công cụ FedWatch của CME.

Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,2% xuống 28,29 USD/ounce, còn giá bạch kim tăng 0,3% lên 940,77 USD/ounce.

Còn tại Việt Nam, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 78,5 - 80,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

*Giá dầu giảm do nhu cầu yếu của Trung Quốc

Giá dầu giảm nhẹ tại châu Á trong phiên giao dịch chiều 10/9 do nhu cầu yếu của Trung Quốc đã lấn át tình trạng gián đoạn nguồn cung tại Mỹ do bão Francine, và nguy cơ dư thừa nguồn cung dầu toàn cầu tiếp tục đè nặng lên thị trường.

Vào lúc 13 giờ 52 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 32 xu Mỹ, hay 0,45%, xuống 71,51 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 38 xu Mỹ, hay 0,55%, xuống 68,33 USD/thùng.

Đội tuần tra bờ biển Mỹ đã chỉ thị ngừng tất cả các hoạt động tại Brownsville và các cảng nhỏ khác của Texas vào tối ngày 9/9 khi bão Francine đổ bộ qua Vùng Vịnh Mexico.

Exxon Mobil cho biết họ đã ngừng hoạt động cơ sở sản xuất ngoài khơi Hoover của mình, trong khi Shell tạm dừng hoạt động khoan dầu tại hai cơ sở. Chevron cũng bắt đầu ngừng sản xuất dầu và khí tại hai cơ sở sản xuất ngoài khơi của mình. Các nhà phân tích của ANZ cho biết Mỹ có nguy cơ gián đoạn công suất ít nhất 125.000 thùng dầu mỗi ngày.

Tuy nhiên, những dấu hiệu cho thấy nhu cầu suy yếu trên toàn cầu và dự đoán về tình trạng nguồn cung dư thừa tiếp tục đè nặng lên thị trường.

Số liệu được công bố ngày 9/9 của Trung Quốc cho thấy lạm phát tiêu dùng của nước này tăng thấp hơ dự kiến vào tháng Tám, nhưng nhu cầu trong nước vẫn yếu và chỉ số giá sản xuất ngày càng giảm.

Bên cạnh đó, số liệu được công bố ngày 10/9 cho thấy xuất khẩu tháng Tám của Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng nhanh nhất trong gần một năm rưỡi, nhưng nhập khẩu lại gây thất vọng do nhu cầu nội địa yếu, từ đó càng củng cố những lo ngại về nhu cầu dầu.

Các công ty giao dịch hàng hóa toàn cầu Gunvor và Trafigura dự đoán giá dầu có thể dao động từ 60-70 USD/thùng do nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc và nguồn cung dư thừa trên toàn cầu.

*Thị trường chứng khoán châu Á phần lớn tăng điểm

Các thị trường chứng khoán châu Á phần lớn tăng điểm trong phiên giao dịch chiều 10/9, khi thị trường đang đánh giá triển vọng lãi suất của Mỹ sau báo cáo việc làm đáng thất vọng vào tuần trước, với tâm điểm chú ý của tuần này là số liệu lạm phát quan trọng.

Khép lại phiên này, tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng ở Hong Kong và chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải đều tăng 0,3% lên các mức lần lượt 17.248,89 điểm và 2.744,19 điểm. Sắc xanh cũng được ghi nhận tại các thị trường Sydney, Singapore, Wellington, Manila, Mumbai và Jakarta.

Nhưng chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 0,2% xuống 36.159,16 điểm. Các thị trường Seoul, Đài Bắc và Bangkok cũng giảm điểm.

Fed được dự đoán sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tuần tới, nhưng thị trường đang tranh luận mức giảm sẽ là 0,25 điểm phần trăm hay 0,5 điểm phần trăm. Nhà phân tích Stephen Innes cho biết có nhiều yếu tố có thể làm thay đổi tâm lý của các nhà đầu tư trước khi Fed ra quyết định. Nếu chỉ số CPI sắp tới cho thấy lạm phát đang giảm mạnh, khả năng Fed giảm 0,5 điểm phần trăm sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc đang đè nặng lên tâm lý thị trường. Số liệu nhập khẩu tháng Tám không như kỳ vọng cho thấy giưới chức nước này đang gặp khó khăn trong việc thúc đẩy tiêu dùng.

Còn tại Việt Nam, kết thúc phiên này, chỉ số VN-Index giảm 12,5 điểm, hay 0,99%, xuống 1.255,23 điểm, và chỉ số HNX-Index giảm 1,77 điểm, hay 0,76%, xuống 231,69 điểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục