Giá khí đốt giảm nhờ thỏa thuận năng lượng?

19:19' - 02/11/2022
BNEWS Nhiều giờ sau khi thỏa thuận được thông qua, giá khí đốt trên thị trường châu Âu có giảm đi, song giới quan sát vẫn tỏ ra rất thận trọng trước diễn biến này.

Sau những nỗ lực vượt bậc, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận nguyên tắc về một "hành lang giá" để hạn chế sự biến động giá khí đốt, nhưng trên thực tế, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

* Giá khí đốt giảm nhờ thỏa thuận năng lượng?

Hội đồng châu Âu ngày 21/10 đã đạt được sự thống nhất đầu tiên đối với việc giới hạn giá khí đốt. Từ cuối năm 2021, EU bắt đầu đề cập đến việc hạn chế biến động giá khí đốt, khi giá khí đốt tăng vọt.

Gần một năm sau, nhiệm vụ đã được trao cho Ủy ban châu Âu (EC) và Hội đồng Bộ trưởng Năng lượng để tìm ra một phương thức hoạt động thực tế cho một "hành lang giá" để áp dụng cho giao dịch trên sàn giao dịch Title Transfer Facility (TTF) của Hà Lan, vốn có tính chất quyết định giá khí đốt trong EU.

EU cũng cần thời gian để phát triển một chỉ số mới dành riêng cho việc mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ nay tới mùa Xuân tới để lấp đầy kho dự trữ nhiên liệu, dự kiến sẽ ổn định hơn, minh bạch hơn và đại diện hơn cho thực tế của thị trường, khi LNG đã thay thế một phần lớn lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Khi nào thì "hành lang giá" này sẽ đi vào hoạt động và với cơ chế như thế nào? Tác động của cơ chế mới đối với hóa đơn của người tiêu dùng là gì? Cho đến nay, vấn đề vẫn chưa có giải pháp cụ thể.

Phát biểu trên kênh phát thanh France Inter về thỏa thuận đạt được nhằm ngăn chặn khủng hoảng năng lượng đang khiến cả lục địa "chao đảo" suốt cả một năm trời, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã khẳng định rằng giá khí đốt đang giảm đi đồng nghĩa với việc “các thị trường đã phản ứng khá tốt với quyết định” của các nhà lãnh đạo EU.

Tuy nhiên, theo báo La Tribune, sự thật không hẳn là như vậy, bởi giảm giá khí đốt là xu hướng thị trường đã diễn ra gần như liên tục trong 2 tháng qua và không có bất kỳ thay đổi đặc biệt nào sau quyết định của EU. Thực tế, mối liên hệ nhân-quả dường như đã diễn ra theo chiều ngược lại: Thỏa thuận được ký kết tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu ngày 21/10 thành công là nhờ sự tạm lắng của giá năng lượng.

Đúng là nhiều giờ sau khi thỏa thuận được thông qua, giá khí đốt trên thị trường châu Âu có giảm đi, song giới quan sát vẫn tỏ ra rất thận trọng bởi thỏa thuận được thông qua sau cuộc họp của Hội đồng châu Âu này xét cho cùng chỉ là một lộ trình không có gì kém chắc chắn hơn.

 

* Một ý tưởng có thể bị dập tắt từ trong trứng nước?

Đã không có một tác động đáng kể nào được quan sát thấy vì giá khí đốt ở châu Âu vẫn đi theo một xu hướng như vậy trong 2 tháng qua.

Trên thực tế, mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả dường như lại diễn ra theo một hướng ngược lại. Vào ngày 21/10, thỏa thuận “rụt rè” của châu Âu chỉ có thể đạt được nhờ giá khí đốt đang giảm từ trước và sau đó tiếp tục giảm.

Trạm tiếp nhận của cơ sở lọc dầu Duna ở thị trấn Szazhalombatta, Hungary. Ảnh: AFP/TTXVN

Và cũng thật nghịch lý, ngay cả sự tạm lắng này cũng có thể kết thúc mọi nỗ lực giới hạn giá khí đốt của EU. Đơn giản là vì sự giảm giá này có thể trở thành một lập luận không thể phủ nhận có lợi cho các nước thành viên ủng hộ chủ trương không can thiệp vào thị trường, trong đó Đức là nước dẫn đầu.

Thực tế cho thấy kể từ ngày 26/8, giá khí đốt đã giảm mạnh cho dù vẫn giữ ở mức rất cao, với 140 euro/MWh (138 USD) trên sàn giao dịch TTF so với 100 euro/MWh hiện nay. Không như những gì ông Charles Michel khẳng định, sự giảm giá này diễn ra gần như liên tục và tốc độ giảm không có bất kỳ thay đổi bất thường nào trong tuần trước so với những lần trước đó.

Hiện tượng này trước hết bắt nguồn từ điều kiện thời tiết, tức là do nhiệt độ ôn hòa khác thường, nhu cầu sử dụng khí đốt để sưởi ấm tăng không đáng kể so với dự kiến, khiến thị trường không rơi vào trạng thái căng thẳng.

Hơn nữa, các nước EU đã kịp thời và đa dạng hóa việc nhập khẩu, tức là bằng mọi cách lấp đầy được kho dự trữ quốc gia, xua tan "bóng ma" thiếu hụt ít nhất là trong những tuần tới. Thậm chí tốc độ diễn ra nhanh đến mức đã có hàng chục tàu chở đầy khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đang bị ùn tắc, chờ đến lượt dỡ hàng ở ngoài khơi bờ biển Tây Ban Nha và Anh.

Đang có rất nhiều tin tốt lành cho các nước EU sau thời gian hốt hoảng kiềm chế khủng hoảng năng lượng, qua đó giúp xoa dịu các nhà đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán.

Vậy mà theo lý luận của EC, điều quan trọng trước tiên là phải đạt được trạng thái bình ổn của thị trường trước khi thực hiện bất kỳ biện pháp can thiệp nào, cho dù là ở mức độ giới hạn. Ủy viên phụ trách năng lượng châu Âu Kadri Simson đã thừa nhận rằng ngay từ đầu năm, EU đã biết rất khó để thiết lập một cơ chế giới hạn giá khí đốt sử dụng cho sản xuất điện – một cơ chế mà quả thực cho đến thời điểm hiện tại 27 thành viên EU vẫn không thể tìm được tiếng nói chung.

Ngay cả một khung giới hạn giá khí đốt trên TTF – như đã được các nước thành viên thông qua ngày 21/10 – cũng không thể xuất hiện ở thời điểm “nước sôi lửa bỏng” nhất đối với EU.

Nguyên nhân là chiến lược này luôn chứa một nguy cơ rất lớn trong trường hợp thất bại, tức là nó sẽ là làm trầm trọng thêm cú sốc nguồn cung bằng cách chống lại các nhà sản xuất khí đốt - những người có thể quyết định giao hàng ở những nơi khác ngoài châu Âu với các mức giá tùy ý.

EU, với tư cách là bên mua chứ không phải là nhà sản xuất khí đốt, có ý định ép buộc bên bán khi không chấp nhận mua khí đốt trên sàn giao dịch với một mức giá quá mức trần.

Ngược lại, theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, người đã trình bày kế hoạch được Hội đồng châu Âu thông qua ngày 21/10, “nếu không có một thị trường bình lặng, EC đã không thể đưa ra đề xuất này"

. Điều này giải thích tại sao ở đỉnh điểm của khủng hoảng năng lượng châu Âu, khi vừa được đề cập một cách ngắn gọn, ý tưởng về một khuôn khổ giá trần khí đốt áp dụng cho TTF đã nhanh chóng "biến mất" khỏi các diễn đàn của EU./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục