Gia Lai có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội

08:10' - 26/10/2022
BNEWS Theo thống kê của Sở Xây dựng Gia Lai, nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay trên địa bàn khá lớn.

Qua rà soát, thống kê, nhu cầu nhà ở xã hội khoảng 7.416 người; trong đó, đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị khoảng 432 người, công nhân khu công nghiệp khoảng 230 người.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Xây dựng Gia Lai, hiện trên địa bàn chưa có các dự án xây dựng nhà ở xã hội thuộc ngoài ngân sách. Các dự án nhà ở xã hội đang trong quá trình kêu gọi đầu tư và dự kiến được triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025 đã được phê duyệt danh mục dự án trong Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Gia Lai giai đoạn năm 2018 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.

Theo đó, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021- 2035 dự kiến sẽ có 14 dự án; trong đó, dự án đã dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội với tổng quy mô khoảng 34,732 ha.

Thực tế tại Gia Lai đã có nhiều nhà đầu tư manh nha xin đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thị trường bất động sản dù sôi động trong thời gian qua nhưng quỹ đất trong dân vẫn còn rất lớn. Cùng với tâm lý mua đất để làm sở hữu trong đại đa số cán bộ, công nhân - viên chức đã khiến nhiều nhà đầu tư có ý định phát triển nhà ở xã hội tại Gia Lai chùn bước.

 

Mặt khác, thủ tục, pháp lý để được lựa chọn mua nhà ở xã hội cũng còn nhiều ràng buộc, nhiêu khê. Nhiều công đoạn với những giấy tờ liên quan đã khiến người có thu nhập thấp, công nhân không còn mặn mà với việc tìm đến loại hình nhà ở này.

Chị M.Q chia sẻ, trước đây đã từng tìm hiểu các điều khoản để được xét mua nhà ở xã hội nhưng bản thân cũng không thể hiểu hết và kiên nhẫn hoàn thành các thủ tục đó. Chưa kể, khi tìm đến vay gói ưu đãi dành cho người thu nhập thấp, cán bộ công nhân - viên chức… nhưng cũng bỏ cuộc vì nhiều cái rất khó để thực hiện. Vì vậy, chị đã tìm đến khu đất ngoại thành, dù hơi xa trung tâm thành phố, xa chỗ làm nhưng mua bán nhanh, gọn và có thể thế chấp để vay ngân hàng.

Từ thực tế đó cho thấy, việc triển khai nhà ở xã hội tại Gia Lai cần có cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho vùng. Theo ông Nguyễn Kim Đại - Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai, để chủ trương này phát huy hiệu quả, triển khai đạt với lộ trình thì cần sự tham gia của các nhà đầu tư là tiền đề để chương trình thành công.

Tuy nhiên, hiện rất ít nhà đầu tư quan tâm đến chương trình này. Việc kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động gặp khó khăn bởi đòi hỏi chi phí lớn và dài hạn; thời gian thu hồi vốn kéo dài... Do đó, cần có các gói vay, chính sách vay phù hợp cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc bố trí quỹ đất sạch, hoàn thiện cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư cũng cần cái cách để hấp dẫn hơn; thu hút nhà đầu tư mạnh dạn đến với thị trường Gia Lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục