Gia Lai đảm bảo an toàn lưới điện mùa mưa

14:44' - 19/06/2018
BNEWS Tại tỉnh Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung, khi vào mùa mưa thường đi kèm theo giông tố, gió giật mạnh nên khả năng xảy ra sự cố lớn về điện trong những năm gần đây.
Công nhân ngành điện nâng cấp, cải tạo lưới điện. Ảnh minh họa: Phạm Cường/TTXVN

Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn nhất khu vực Tây Nguyên và lớn thứ hai của cả nước với điều kiện tự nhiên như đồi núi, rừng... vẫn còn nhiều.

Đây còn là vùng đất từ lâu được biết đến với các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu,… Tuy nhiên, đây lại là một trong những nguyên nhân gây nên các sự cố về điện trong những năm trở lại đây, đặc biệt là khi mùa mưa bão đến gần.

Huyện Chư Păh nằm ở phía Bắc tỉnh Gia Lai, giáp ranh với tỉnh Kon Tum, có diện tích gần 1.000 km2. Hiện điện lực Chư Păh đang quản lý và vận hành trên 750 km đường dây điện trung áp và hạ áp với trên 200 trạm biến áp phụ tải và 3 trạm biến áp trung gian không người trực.

Tuy nhiên, tại tỉnh Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung, vào mùa mưa, lượng mưa nhiều, độ ẩm cao, khi mưa thường kèm theo giông tố, sấm sét, gió giật mạnh nên khả năng xảy ra sự cố lớn.

Các tuyến đường dây đi qua rừng cao su, rừng đặc dụng là những địa điểm dễ xảy ra sự cố bởi khi có gió to, cây gãy cành, đổ vào đường dây điện gây nên các sự cố như nhảy máy cắt phân đoạn, đứt chì phân đoạn, vỡ sứ, đứt chì FCO, chống sét van…

Tính riêng trong năm 2017, toàn huyện Chư Păh đã xảy ra 41 sự cố về điện, chủ yếu do giông sét và các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra. Mới đây, ngày 19/5, một trận mưa lớn kèm theo tố lốc đã làm gãy 2 cột điện lực tại thị trấn Phú Hòa, gây mất điện trên diện rộng.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, lực lượng chức năng huyện Chư Păh đã nhanh chóng vào cuộc xử lý, song phải mất 3 giờ sau, tuyến đường điện mới được khắc phục xong.

Ông Tăng Văn Dũng - Phó Giám đốc Điện lực Chư Păh cho biết, ngay từ đầu năm, đơn vị đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn lưới điện trong mùa mưa bão năm 2018.

Điện lực Chư Păh đã thành lập Tiểu ban phòng chống bão lũ; trong đó, người đứng đầu đơn vị là trưởng tiểu ban, trực tiếp điều hành khắc phục sự cố hoặc công tác chuẩn bị khi có bão lũ xảy ra.

Bên cạnh đó, Điện lực Chư Păh cũng thành lập đội phòng chống bão lũ với 13 thành viên là các công nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh, quản lý vận hành đường dây.

Khi có bão lũ xảy ra, lực lượng này sẽ là lực lượng xung kích, kịp thời ứng phó, xử lý bão lũ, đảm bảo việc cung cấp điện cho nhân dân một cách sớm nhất và an toàn nhất.

Cùng đó, việc tuyên truyền cũng được chú trọng, đầu mùa mưa bão, trước khi bước vào đợt nghỉ hè, ngành điện lực đã soạn các công văn gửi đến các trường để phổ biến cho học sinh hạn chế việc thả diều, dễ gây sự cố về điện; hỗ trợ tuyên truyền trong nhân dân việc sử dụng điện an toàn...

Điện lực huyện Đăk Đoa hiện quản lý và vận hành trên 700 km đường dây điện và 309 trạm biến áp phụ tải.

Điều kiện địa hình của huyện khá khó khăn, với các xã vùng sâu, vùng xa, phương tiện giao thông đi lại không thuận lợi, nhiều tuyến đường đi vào các khu vực dân cư lầy lội nên việc tổ chức xử lý các sự cố về điện mất nhiều thời gian.

Tại huyện Đăk Đoa, vị trí xa nhất là xã Hà Đông với khoảng cách lên đến 70km tính từ trung tâm huyện. Chính vì vậy, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn huyện đã xảy ra 15 sự cố về điện, đứng thứ hai về số lượng sự cố điện trong toàn tỉnh.

Ông Lê Hồng Công - Phó Giám đốc Điện lực huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai cho biết, đối với lưới điện trên địa bàn huyện, khó khăn nhất trong việc đảm bảo an toàn lưới điện là hành vi vi phạm hành lang lưới điện.

Đặc biệt, người dân và các công ty cao su trồng mới, tự phát còn cố tình trồng cây vào hành lang an toàn lưới điện; việc thả diều của trẻ em vào mùa hè cũng tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn lưới điện rất cao.

Đối với lưới điện đi vào khu vực rừng cao su hoặc cây công nghiệp, điện lực cũng có biện pháp triển khai để giảm thiểu tình trạng xảy ra sự cố như: thay thế các loại dây trần thành dây bọc bán phần hoặc toàn phần.

Đối với tình trạng diều thả trên đường dây, điện lực đã khuyến cáo và nhờ các địa phương, trường học tuyên truyền, vận động hỗ trợ.

Ông Hồ Đức Huấn - Phó trưởng phòng An toàn Công ty Điện lực Gia Lai cho biết, năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 957 sự cố gây mất điện, giảm 23% so với năm 2016.

Nhằm kịp thời ngăn ngừa, đối phó và giải quyết hậu quả sau thiên tai, bão lũ tại Gia Lai cũng như các tỉnh lân cận, Công ty Điện lực Gia Lai đã thành lập Đội xung kích phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, với nhiệm vụ sẵn sàng tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn quản lý, vận hành của đơn vị cũng như hỗ trợ các đơn vị tỉnh bạn trong trường hợp có các sự cố nghiêm trọng xảy ra.

Vào đầu mùa mưa bão, Điện lực Gia Lai đã thông báo cho các điện lực tổ chức kiểm tra các tuyến đường dây phát quang hành lang tuyến để đảm bảo khi mùa mưa bão đến thì không có cây ngã đổ vào đường dây, không gây nên các sự cố cho các đường dây.

Ngoài ra, để chống sét, trong thời gian vừa rồi thì Điện lực Gia Lai cũng đã triển khai các hệ thống chống sét van trên các tuyến đường dây, các mỏ phóng thoát sét khi có sét đánh vào đường dây.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cho người dân trong việc đảm bảo hành lang an toàn lưới điện cũng được đơn vị tổ chức triển khai, quyết tâm giảm thiểu các sự cố về điện trong mùa mưa bão năm 2018 và các năm tiếp theo - ông Huấn nhấn mạnh./.

Xem thêm:

>>EVN đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện trong tháng 6

>>Rà soát, nâng cấp lưới điện phục vụ sản xuất nông nghiệp cho Thái Nguyên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục