Gia Lai: Mục tiêu giải ngân 60% vốn đầu tư công đến hết quý III/2021

17:34' - 19/08/2021
BNEWS Gia Lai đang thực hiện các giài pháp tháo gỡ rào cản để đến 30/9 giải ngân 60% vốn đầu tư công
Để đảm bảo mục tiêu đến ngày 30/9/2021, Gia Lai đạt 60% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công được giao, UBND tỉnh Gia Lai đang yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện quyết liệt, đồng hộ các giải pháp; tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Qua đó, tỉnh gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Các ngành, địa phương tích cực triển khai các dự án được giao; trong đó, tập trung hoàn tất thủ tục đầu tư, tăng cường kết hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai giải phóng mặt bằng.

Cùng đó, tổ chức đầu thầu, ký hợp đồng, thẩm tra khối lượng đối với các dự án khởi công mới. Đối với các dự án chuyển tiếp, tỉnh phấn đấu giải ngân để sớm hoàn thành 100% kế hoạch vốn đã giao.

UBND tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu các địa phương có các giải pháp phù hợp, chi tiết về tiến độ, kế hoạch, nhân công, phương tiện... để tổ chức thi công dự án trong điều kiện dịch bệnh COVID-19; đồng thời, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Các sở chuyên ngành về xây dựng tăng cường kiểm tra, nghiệm thu công trình trong quá trình thi công, nghiệm thu hoàn thành xây dựng.

Trước đó, vào cuối tháng 6, tại kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI đã thông qua 82/83 dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dự kiến là 18.259 tỷ đồng; trong đó, ngân sách địa phương hơn 12.000 tỷ đồng, vốn Trung ương trên 6.200 tỷ đồng.

Gia Lai sẽ tập trung vốn ngân sách cho các dự án lớn như: Nhà hát, Trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật và thư viện tổng hợp tỉnh Gia Lai với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Đường hành lang kinh tế phía Đông (tuyến tránh Quốc lộ 19, huyện Đăk Đoa - Chư Păh - thành phố Pleiku, dài 16 km, rộng 30 m) với kinh phí 1.200 tỷ đồng. Kè chống sạt lở suối Hội Phú (đoạn từ đường Lê Thánh Tôn đến Nguyễn Trung Trực - chùa Minh Thành, thành phố Pleiku) với kinh phí 300 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 7, khối lượng thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của tỉnh Gia Lai đạt 833 tỷ đồng, bằng 32% kế hoạch được giao và chỉ mới giải ngân đạt 810 tỷ đồng, bằng 31% kế hoạch được giao.

Ông Đinh Hữu Hòa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho rằng, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan tại các dự án chuyển tiếp và các dự án khởi công mới dẫn đến chậm giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021.

Theo đó, các nguyên nhân khách quan của các dự án chuyển tiếp là do một số quy định về thủ tục điều chỉnh dự toán tại Nghị định 68/2019/NĐ-CP được quy định chặt chẽ hơn. Đó là, cần có ý kiến của người quyết định đầu tư thì chủ đầu tư mới được điều chỉnh, đã gây khó khăn và kéo dài thời gian điều chỉnh.

Cùng với đó, việc quản lý đầu tư xây dựng công trình xây dựng khẩn cấp theo quy định tại Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định người được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Bao gồm: giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng và một số nhiệm vụ cần thiết khác phục vụ công trình xây dựng khẩn cấp.

Tuy nhiên, hiện nay Bộ Xây dựng chưa có hướng dẫn quy định cụ thể khiến chủ đầu tư lúng túng trong thực hiện và đã đề nghị người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi.

Ngoài ra, việc thực hiện Nghị định 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn vay, hiện cũng đang vướng mắc do không được sử dụng vốn vay để trả tiền thuế dẫn đến phải phê duyệt điều chỉnh bổ sung nguồn vốn đối ứng để chi trả... Bên cạnh đó, việc tăng giá vật liệu cũng làm cho một số dự án chậm tiến độ.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho rằng, các nguyên nhân chủ quan làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân tại các dự án chuyển tiếp là do: một số chủ đầu tư chưa phối hợp tốt với chính quyền địa phương nơi có công trình được giải phóng mặt bằng. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao. Việc tuyên truyền cho người dân về chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng chưa đảm bảo tính minh bạch, công bằng.

Các chủ đầu tư cũng chưa quyết liệt thúc đẩy các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Một số công trình đã có khối lượng nhưng chậm làm thủ tục giải ngân. Đối với các dự án ODA, thủ tục rút vốn còn mất khá nhiều thời gian và phải được sự đồng ý của các bộ, ngành Trung ương..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục