Giá lợn hơi chưa có dấu hiệu phục hồi

17:36' - 20/04/2017
BNEWS Từ đầu năm, giá lợn hơi liên tục xuống, tại Thanh Hóa có nơi chỉ còn 24.000 đồng/kg. Theo đánh giá, đây là đợt xuống giá thấp nhất và lâu nhất từ trước đến nay và vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.
Giá lợn hơi chưa có dấu hiệu phục hồi. Ảnh minh họa: TTXVN

Người chăn nuôi theo quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn đang chịu cảnh lao đao bởi phụ thuộc giá cả thị trường, bị thương lái ép giá. Nhiều hộ rơi vào tình trạng thua lỗ, thậm chí trắng chuồng khi không đủ chi phí để tiếp tục chăn nuôi.

Theo chân cán bộ nông nghiệp huyện Hoằng Hóa, chúng tôi tìm đến Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Chăn nuôi Hoằng Hóa, tại thôn 3, xã Hoằng Vinh, huyện Hoằng Hóa để tìm hiểu về vấn đề này.

Công ty thành lập năm 2003, với quy mô 4.500 đến 5.000 lợn thương phẩm. Do biến động về giá từ nhiều tháng nay, hiện tại công ty đang còn tồn đọng gần 2.000 con lợn thịt từ 1,2 đến 1,3 tạ chờ xuất chuồng nhưng vẫn chưa có thị trường tiêu thụ.

Theo tính toán, gần 2.000 con lợn ứ đọng một ngày tiêu thụ khoảng 7 tấn thức ăn, tương đương gần 80 triệu đồng chi phí.

Theo đó, mỗi tháng công ty phải chi lỗ từ 1,6 đến 1,8 tỷ đồng chi phí thức ăn, thú y, công chăm sóc, điện, nước... Tình trạng này đã kéo dài trong 4 tháng nay, đồng nghĩa với việc công ty đã phải chi khoảng 5 tỷ đồng tiền bù lỗ cho số lượng lợn thịt chưa có thị trường tiêu thụ.

Với mức chi phí này, để thu lại tiền vốn, mỗi kg thịt lợn hơi phải bán được với giá 38.000 đồng/kg nhưng với giá bán ra chỉ ở mức 24.000/kg như hiện nay thì mỗi con lợn thịt xuất chuồng sẽ bị lỗ khoảng 2 triệu đồng. Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng công ty vẫn phải giữ đàn, tiếp tục cầm cự với hy vọng thời gian ngắn giá thị trường sẽ ổn định trở lại.

Ông Lê Đình Thanh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Chăn nuôi Hoằng Hóa lo ngại với tình hình như hiện nay, có lẽ công ty cũng chỉ cầm cự được khoảng vài ba tháng nữa. Nếu thị trường giá cả vẫn tiếp tục xuống và chưa hồi phục trở lại thì công ty sẽ đứng trên bờ vực phá sản.

Điều này đồng nghĩa với việc hàng chục lao động có nguy cơ mất việc làm, ảnh hưởng đến đời sống. Vì vậy, các cấp chính quyền địa phương cần sớm có quyết sách về giá cả thị trường để giải quyết góp phần tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi…

Theo ông Lê Quang Trung, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện Hoằng Hóa hiện có khoảng 65.000 con. Cuối 2016 đến nay, giá lợn hơi liên tục xuống rất thấp, người chăn nuôi bị thua lỗ rất nặng.

Trong tình hình đó, UBND huyện Hoằng Hóa chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn các hộ chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại, gia trại vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ để hạn chế dịch bệnh. Bên cạnh đó, huyện cũng đã hỗ trợ mỗi xã 10 triệu đồng cho công tác tiêm phòng vacxin cho đàn lợn để giảm dịch bệnh…

Để giảm giá thành chăn nuôi, ngành nông nghiệp huyện khuyến khích các hộ tận dụng nguồn thức ăn từ các sản phẩm nông nghiệp như ngô, khoai, sắn... đồng thời khuyến cáo các hộ dân không nên giảm khẩu phần ăn của đàn lợn còn ứ đọng. Bởi việc này đồng nghĩa với việc sức đề kháng của đàn lợn sẽ giảm, bệnh tật theo đó sẽ tấn công, bùng phát, gây thiệt hại nặng nề hơn.

Không riêng huyện Hoằng Hóa, tại huyện Đông Sơn, người chăn nuôi cũng đang lao đao trước tình trạng giá lợn giảm sâu với thời gian kéo dài. Tại đây, hàng loạt hộ chăn nuôi do không cầm cự được đã bỏ trống chuồng, gây mất cân đối cung - cầu trong thời gian tới.

Với mô hình chăn nuôi khép kín hoàn toàn từ lúc lợn sinh ra cho đến khi lợn đạt hơn 1 tạ xuất ra thị trường, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Hữu Nhân, thôn 6, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa luôn duy trì khoảng 600 lợn thương phẩm.

Trước đây, bình thường mỗi tháng gia đình ông xuất chuồng hơn 100 con lợn thịt, nhưng từ đầu năm đến nay, các đầu mối thu mua lớn đã không đến mua lợn.

Lượng tiêu thụ chính hiện nay của gia đình ông là các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch đã ký hợp đồng từ trước, mỗi ngày chỉ tiêu thụ được 1 con. Hiện trang trại của gia đình ông đang ứ đọng khoảng hơn 200 con lợn thịt chờ xuất chuồng và chưa biết bán đi đâu.

Theo tính toán, với hơn 200 con lợn thịt chưa có thị trường tiêu thụ mỗi ngày tiêu thụ khoảng 5 tạ thức ăn, tương đương khoảng 4,5 đến 5 triệu đồng chi phí mỗi ngày, chưa tính tiền thức ăn, thú y, điện nước, công chăm sóc. Tuy nhiên, với kinh nghiệm hơn 10 năm làm trang trại, ông Nhân đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm đến mức thấp nhất chi phí trong chăn nuôi để từng bước vượt qua thời điểm khó khăn này.

Ông Nhân cho biết, để giảm bớt lỗ, gia đình ông ưu tiên chọn những con giống thật tốt. Con nái nào chất lượng kém thì thanh lý sớm. Với lợn thịt cũng vậy, chỉ chọn những con thực sự khỏe để tiếp tục nuôi.

Gia đình quản lý thật chặt chẽ lượng thức ăn, tránh lãng phí và tận dụng thức ăn sẵn có của trang trại như chuối, bèo, ngô, sắn.. kết hợp dùng men sinh học để ủ thức ăn cho lợn ăn, qua đó giảm 50% thức ăn công nghiệp, hạ chi phí chăn nuôi.

Theo ông Mai Thế Sang, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, tỉnh cũng đã nhận định được giá lợn hơi xuống thấp từ cuối năm 2016. Nguyên nhân do biến động của thị trường, nguồn cung dồi dào, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng không thay đổi, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, công tác quản lý còn nhiều hạn chế, chưa nắm bắt dự báo tốt diễn biến thị trường, giá cả các sản phẩm chăn nuôi.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị, thành phố tiếp tục chỉ đạo phát triển đàn lợn theo hướng chăn nuôi theo mô hình bán công nghiệp gắn với chăn nuôi truyền thống; chăn nuôi hữu cơ an toàn dịch bệnh; khuyến khích các cơ sở chăn nuôi phát triển các giống cao sản và các giống đặc sản.

Do vậy, các doanh nghiệp cùng nông dân cần hình thành liên minh, liên kết để xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín từ khâu chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần làm tăng giá trị chăn nuôi lợn và ổn định thị trường.

Ngoài ra, các địa phương cần có sự phối hợp với ngành chăn nuôi để đẩy mạnh công tác nghiên cứu dự tính, dự báo thị trường, từ đó có những khuyến cáo, định hướng cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn, hạn chế tình trạng "được mùa mất giá" như hiện nay.../.

>>> Đeo vòng nhận diện cho lợn: Vì sao người chăn nuôi không hào hứng?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục