Giá phân đạm urê lập kỷ lục mới

17:51' - 27/10/2021
BNEWS Thị trường phân bón thế giới đang biến động rất mạnh khi giá nguyên liệu đầu vào chính cho sản xuất phân đạm urê là ammonia (NH3) và cả phân urê lại lập kỷ lục mới.
Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, thị trường phân bón thế giới đang biến động rất mạnh khi giá nguyên liệu đầu vào chính cho sản xuất phân đạm urê là ammonia (NH3) và cả phân urê lại lập kỷ lục mới trong thời gian ngắn.

Theo các bản tin của Công ty dự báo, phân tích thị trường uy tín quốc tế Argus, Công ty Yara đã tăng giá bán nguyên liệu chính sản xuất phân urê là ammonia (NH3) tại Floria (Mỹ) lên 825 USD/tấn CFR (CFR là giá bao gồm cước phí) cho lượng hàng giao tháng 11/2021.

Như vậy, so với thời điểm tháng 10/2021, mức giá hàng giao tháng 11/2021 đã tăng tới 160 USD/tấn, mức tăng mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây. Việc tăng giá ammonia do nguồn cung sụt giảm tại châu Âu, trong khi nhu cầu của khu vực Bắc Mỹ vẫn cao.

Với phân urê, sau 1 tuần giao dịch chậm thì tuần này giá lại lập kỷ lục mới. Tại Ethiopia, Tổng công ty nông nghiệp EABC đã phải trì hoãn gói thầu mua 800.000 tấn urê và 1,2 triệu tấn NPS cho mùa vụ 2022 vì lý do giá tăng quá nhanh và mạnh.

Còn tại Nepal, nhà cung cấp Swiss Singapore đã trúng gói thầu 25.000 tấn urê của Công ty KSCL với mức giá lên đến 949 USD/tấn CIF (giá CIF là giao hàng tại cảng xếp dỡ), tăng 328 USD/tấn CIF so với thời điểm hàng giao tháng 9/2021. Như vậy, giá thành urê nhập khẩu tại Nepal hiện nay tương đương 22.000 đồng/kg.

Tại khu vực Đông Nam Á, các nước phải nhập khẩu 100% phân urê như Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề của "cơn sốt" giá phân bón toàn cầu.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tình từ đầu năm đến nay, giá phân đạm urê và phân MAP cùng hai loại nguyên liệu đầu vào chính sản xuất phân bón là lưu huỳnh và ammonia trên thị trường thế giới đã tăng từ 60 - 80% tùy loại.

Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, mặc dù giá nhiều loại phân bón trong nước tăng mạnh so với thời điểm cuối tháng 12/2020, nhưng mặt bằng giá phân bón vẫn thấp hơn so với thế giới.

Cụ thể, giá bán lẻ phân urê tại khu vực Nam Bộ bình quân ở mức 16.000 – 17.000 đ/kg. Nguyên nhân giá phân urê trong nước vẫn thấp hơn giá thế giới là do Việt Nam hoàn toàn chủ động được nguồn cung urê từ 4 nhà máy sản xuất (Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình).

Thậm chí vào mùa tiêu thụ thấp điểm trong năm, Việt Nam còn dư cung để xuất khẩu nên phần nào giảm thiểu được tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng phân bón đến sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cũng hợp tác tích cực trong việc hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả để giảm chi phí vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường, đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết.

Mới đây, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, phân bón Phú Mỹ, mã chứng khoán DPM) vừa ký hợp tác thực hiện chương trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, cân đối, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp bền vững.

Theo đó, để chuẩn bị cho vụ Đông Xuân 2021 - 2022, Cục Bảo vệ Thực vật và PVFCCo sẽ phối hợp phổ biến, tập huấn, hướng dẫn cho nông dân kiến thức về sử dụng phân bón an toàn, cân đối, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; chuyển giao, phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật; kiến thức để nhận biết và phân biệt phân bón giả, kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái trên thị trường.

Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các đại lý, cơ sở buôn bán phân bón những văn bản, quy định hiện hành trong lĩnh vực phân bón; kỹ thuật bảo quản và sử dụng phân bón an toàn, cân đối, hiệu quả để có thể hướng dẫn cho nông dân khi mua phân bón sử dụng.

Ngoài ra, hai bên cũng phối hợp thực hiện các mô hình trình diễn sử dụng phân bón bón an toàn, cân đối, hiệu quả trên một số cây trồng chủ lực tại địa phương nhằm thúc đẩy sản xuất, tạo ra chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục