Gia tăng giá trị ngành công nghiệp điện tử Việt Nam

16:12' - 22/06/2023
BNEWS Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, và các bộ, ngành rất tích cực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ bán dẫn trong nước.

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, phần lớn nhân lực nghiên cứu phát triển trong nước đang tập trung ở các đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ, khoảng 25 nghìn trên tổng số 150 nghìn cán bộ nghiên cứu, kỹ sư nhà khoa học làm trong các doanh nghiệp kỹ thuật công nghệ (theo báo cáo Kết quả điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ năm 2020, Trung tâm Thông tin và thống kê khoa học công nghệ). Nếu đem so sánh với số lượng kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp hàng năm của các trường đại học về kỹ thuật, công nghệ chuyên ngành liên quan thì con số này quả rất khiêm tốn.

Ông Trần Hữu Quyền, Chủ tịch VNPT Technology cho rằng, chúng ta đang rất thiếu đội ngũ kỹ sư có thể xây dựng concept sản phẩm, xây dựng kiến trúc sản phẩm, đến thiết kế sản phẩm, chủ yếu kỹ sư trong nước vẫn đang làm việc ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp, vai trò đối với sản phẩm còn khiêm tốn.

Do đó, để có thể đóng góp giá trị cao và có vai trò trong việc thiết kế, phát triển và sản xuất sản phẩm công nghiệp điện tử, cần có đầu tư thích đáng cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, từ các đại học và các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ, đến các doanh nghiệp kỹ thuật, công nghệ trong các lĩnh vực liên quan. Trên cơ sở đó, mới có thể xây dựng được đội ngũ nghiên cứu phát triển đủ mạnh cả về năng lực lẫn quy mô, tạo ra được các phát minh sáng chế công nghệ, góp phần phát triển nên công nghiệp công nghệ điện tử có giá trị gia tăng cao.

Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, và các bộ, ngành rất tích cực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ bán dẫn trong nước với mong muốn xây dựng và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, thiết kế vi mạch tích hợp, tập trung xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, các trung tâm nghiên cứu phát triển, xây dựng các doanh nghiệp thiết kế vi mạch tích hợp.

 

Đối với VNPT, ông Trần Hữu Quyền cho biết, tập đoàn cũng có nhiều nỗ lực phát triển trong lĩnh vực công nghệ công nghiệp điện tử.

Theo đó, VNPT đã chủ động chuyển dịch, điều chỉnh hợp tác với các nhà sản xuất trong các liên doanh, chuyển từ các đối tác hợp tác trong các liên doanh thành các đối tác kinh doanh phát triển thị trường. Bằng cách đó, VNPT đã xây dựng và triển khai chiến lược kế thừa thành quả của thời kỳ liên doanh, hợp tác với các hãng công nghệ nguồn, xây dựng đội ngũ làm chủ công nghệ thiết kế và sản xuất sản phẩm lược nghiên cứu phát triển và sản xuất các sản phẩm đáp ứng sự phát triển của thị trường.

Hàng chục triệu sản phẩm thiết bị điện tử cho hộ gia đình đã được các kỹ sư của VNPT nghiên cứu, thiết kế và được sản xuất tại nhà máy của VNPT cung cấp ra thị trường trong nước thay thế hoàn toàn các sản phẩm nhập khẩu đồng thời cung cấp đến các thị trường khu vực, từng bước đưa sản phẩm Việt ra thị trường quốc tế.

Song song với đó, VNPT cũng triển khai hợp tác trong vai trò là nhà sản xuất ODM/OEM với các đối tác quốc tế để thiết kế và sản xuất, tham gia vào cộng đồng các nhà sản xuất ODM/OEM trong khu vực cung cấp hàng chục triệu thiết bị đến các thị trường quốc tế những năm gần đây.

Ông Trần Hữu Quyền cho rằng, bằng việc triển khai đồng thời các bước đi chiến lược đó, VNPT tự tin xây dựng trở thành một nhà sản xuất thiết bị điện tử, một ODM/OEM tin cậy của các đối tác thương mại quốc tế, là đối tác tin tưởng của các hãng công nghệ nguồn, các nhà sản xuất lớn.

Bên cạnh đầu tư phát triển lĩnh vực sản xuất công nghiệp công nghệ điện tử, VNPT hiện đang tích cực hợp tác cùng các Đại học trong nước, các Đại học cũng như các Trung tâm đổi mới sáng tạo của các nước phát triển để xây dựng và phát triển đội ngũ kỹ sư, từng bước hình thành và tham gia vào lĩnh vực công nghệ bán dẫn góp phần xây dựng VNPT thành tập đoàn công nghệ hàng đầu khu vực thực hiện chiến lược phát triển đến năm năm 2030./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục