Gia tăng khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ ở châu Á hậu Brexit

08:08' - 06/07/2016
BNEWS Việc cử tri Anh chọn Brexit, đã làm gia tăng sự cấp bách phải nới lỏng chính sách tiền tệ của một số ngân hàng trung ương ở châu Á.
Gia tăng khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ ở châu Á hậu Brexit. Ảnh: scmp

Các nhà kinh tế cảnh báo việc các quyết định đầu tư bị trì hoãn cùng với việc làm và tiêu dùng bị tác động sau Brexit sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của các nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào thương mại vốn đã gặp bất lợi từ nhu cầu bên ngoài yếu, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Một loạt các cuộc họp của các ngân hàng trung ương ở châu Á trong tháng này có thể cho thấy sự ủng hộ lớn hơn đối với việc nới lỏng chính sách tiền tệ, nếu không phải là hạ lãi suất. Theo người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại châu Á của ANZ ở Singapore, Khoon Goh, sự không rõ ràng về quan hệ giữa EU và Anh có thể là một trở ngại đối với xuất khẩu của châu Á vào châu Âu.

HSBC nhận thấy nhiều khả năng chính sách tiền tệ được nới lỏng ở Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan, mặc dù những rủi ro đối với lạm phát đến từ việc đồng tiền giảm giá có thể làm hạn chế các lựa chọn chính sách ở các nước mới nổi như Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.

Ngân hàng Dự trữ Australia chưa quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp vào ngày 5/7 để chờ số liệu về giá tiêu dùng quý II sẽ được công bố ngày 27/7, nhưng các thị trường dự đoán lãi suất sẽ được hạ vào tháng Tám, do lạm phát thấp và tình hình chưa rõ ràng hậu Brexit.

Các ngân hàng trung ương Hàn Quốc và Malaysia sẽ họp trong tuần tới và trong khi các nhà kinh tế cũng không dự đoán các ngân hàng này sẽ hành động ngay, mà các tuyên bố về chính sách có thể cho thấy sự ủng hộ hơn đối với việc hạ lãi suất.

Hàn Quốc tuần trước đã tung ra gói hỗ trợ nền kinh tế trị giá 8,5 tỷ USD để đối phó với cú sốc Brexit, giúp ngân hàng trung ương nước này có thể chưa phải ngay lập tức phải có các biện pháp kích thích.

Và dù không có nhiều lựa chọn về chính sách, khả năng Bank Negara Malaysia (ngân hàng trung ương), cắt giảm lãi suất gia tăng trong những ngày gần đây, khi lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 và 10 năm giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 2013.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, tức ngân hàng trung ương), được cho là sẽ đưa ra thêm các biện pháp kích thích ngắn hạn để thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Và không ở đâu mà tác động đến đồng tiền lại mạnh như ở Nhật Bản, khi đồng yen tăng mạnh vào tháng trước, chủ yếu do nhà đầu tư tìm đến các tài sản an toàn như đồng tiền này vì Brexit, đã làm tăng khả năng Ngân hàng trung ương phải tăng cường các biện pháp kích thích tại cuộc họp vào ngày 28-29/7. 

>>> Brexit có ảnh hưởng lớn đến chính sách tỷ giá của Trung Quốc

>>> Giới chuyên gia: Chưa nên điều chỉnh tỷ giá vì Brexit

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục