Giá thanh long, chanh, dứa... giảm rất thấp

15:02' - 31/01/2022
BNEWS Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 năm qua giá cả đầu ra một số mặt hàng nông sản như thanh long, chanh, dứa… tại địa phương giảm rất thấp.

Theo Hội Nông dân tỉnh Long An, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 năm qua giá cả đầu ra một số mặt hàng nông sản như thanh long, chanh, dứa… tại địa phương giảm rất thấp; việc tiêu thụ lúa gạo hiện nay cũng không thuận lợi khiến nông dân còn nhiều lo lắng.

Chanh và thanh long là 2 loại cây trồng có diện tích cao tại Long An. Hiện cây thanh long có diện tích trồng trên  toàn tỉnh là hơn 12.000 ha (tăng 2,4% so với cùng kỳ), diện tích cho trái hơn 11.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Tân Trụ, Thủ Thừa và thành phố Tân An.

 

Giá bán thanh long trong năm qua thấp, đặc biệt là thời điểm trong và sau giãn cách xã hội do dịch COVID-19.

Giá bán thanh long ruột đỏ 7.000-25.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng 3.000 – 10.000 đồng/kg. Đặc biệt thời điểm sau giãn cách đến gần Tết Nguyên đán, nhiều nhà vườn cho biết giá chỉ 1.000-2.000 đồng/kg, nhà vườn bỏ không muốn thu hoạch.

Diện tích trồng cây chanh toàn tỉnh gần 11.500 ha (tăng 6,1% so với cùng kỳ), trong đó diện tích cây đang cho trái là hơn 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Bến Lức, Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa và Thạnh Hóa.

Giá bán chanh trong năm cũng rất thấp: chanh có hạt từ 6.000 – 17.000 đồng/kg (giảm từ 1.000 – 11.000 đồng/kg so với cùng kỳ); chanh không hạt từ 10.000 – 23.000 đồng/kg (giảm 6.000 – 9.000 đồng/kg so với cùng kỳ).

Bên cạnh đó diện tích trồng rau các loại là hơn 5.600 ha (bằng 98,3% so với cùng kỳ). Năng suất thu hoạch 19,94 tấn/ha, sản lượng ước đạt hơn 112 ngàn tấn. Trong đó diện tích trồng dưa hấu ước đạt hơn 1.800 ha.

Các loại cây trồng chuyển đổi khác như mía, vừng, rau các loại có diện tích trồng thấp hơn so với cùng kỳ do giá bán và thời tiết không thuận lợi; diện tích trồng dưa hấu, ngô, lạc tăng nhẹ so với cùng kỳ. Riêng cây lúa tổng diện tích đã gieo cấy là hơn 432.000 ha, đạt 89,4% kế hoạch (tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2020).

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An Ngô Thanh Tuyền cho biết, năm qua chính quyền địa phương cùng các cấp Hội trong tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ bà con nông dân an tâm sản xuất như chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn trồng trọt, chăn nuôi, dạy nghề và tạo nhiều nguồn vốn cho hội viên nông dân vay. Cùng với đó cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia tốt các phong trào hoạt động do Hội phát động.

Các cấp, các ngành chủ động thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn nên ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn thấp hơn so với cùng kỳ. Vấn đề khiến hội viên nông dân lo lắng nhất hiện nay là giá đầu ra một số mặt hàng nông sản như thanh long, chanh, dứa giảm thấp; việc tiêu thụ lúa gạo hiện nay cũng không thuận lợi.

Trong khi đó giá cả một số mặt hàng vật tư nông nghiệp tăng cao, nhất là thức ăn gia súc, chi phí sản xuất tăng, nắng nóng kéo dài; tình dịch dịch bệnh COVID-19 diễn biễn phức tạp, một số mặt hàng trái cây tiêu thụ khó khăn khiến nông dân sản xuất không có lãi...

"Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong năm 2022 là tiếp tục hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và hoạt động của cho tổ, hội nông dân theo nghề nghiệp; hỗ trợ hội viên – nông dân xây dựng nhãn hiệu hàng hóa gắn với thực hiện đề án "mỗi xã một sản phẩm", từ đó tăng cường quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cho hội viên - nông dân" – ông Ngô Thanh Tuyền cho biết./.

>>>Sức mua hàng hóa tăng gấp hai, ba lần trong ngày cận Tết

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục