Giá thịt lợn tăng, dịch vụ ăn uống ở Cần Thơ biến động mạnh

14:27' - 07/11/2019
BNEWS Các dịch vụ ăn uống ở Cần Thơ điều chỉnh giá theo chiều hướng tăng trong thời gian gần đây là không hề hiếm. Mức tăng phổ biến vào khoảng 3.000 – 5.000 đồng.
Một biển báo giá món ăn của một cửa hàng ở Thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Một ngày đầu tháng 11, nhiều thực khách đến ăn sáng tại quán mì trên đường Nguyễn Văn Linh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ khá bất ngờ khi thấy tờ thông báo tăng giá 3.000 đồng mỗi phần được chủ quán dán trên tường.

Lý do là giá thịt lợn tăng cao trong những ngày qua.

Chủ quán là anh Trần Minh Lộc cho biết, mỗi suất mì ở quán anh có giá 22.000 đồng. Mức giá này được quán duy trì vài năm nay nhưng từ hơn một tuần nay, anh buộc phải tăng lên 25.000 đồng vì giá các loại thực phẩm, nhất là thịt lợn nhập vào đều có giá cao so với trước.

“Mỗi ngày quán tôi sử dụng vài chục kg thịt lợn, dù biết lên giá thì dễ mất khách nhưng nếu không tăng thì cửa hàng không có lãi vì chi phí đầu vào cao quá. Chỉ biết mong khách hàng thông cảm, chia sẻ”, anh Lộc bày tỏ.

Không chỉ quán mì nói trên mà tình trạng các dịch vụ ăn uống ở Cần Thơ điều chỉnh giá theo chiều hướng tăng trong thời gian gần đây là không hề hiếm. Mức tăng phổ biến vào khoảng 3.000 – 5.000 đồng.

Nguyên nhân theo nhiều người kinh doanh quán ăn là do giá thịt lợn liên tục tăng cao từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại địa phương này.

Nếu vào thời điểm đầu tháng 9/2019, giá lợn hơi tại thành phố Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ ở mức 37.000 - 41.000 đồng/kg, nhưng bước sang tháng 10 đã nhanh chóng vọt lên ở mức 55.000-57.000 đồng/kg, thậm chí có nơi trên 60.000 đồng/kg.

Nguyên nhân do nguồn cung lợn hơi tại nhiều địa phương đang giảm mạnh vì bị thiệt hại từ bệnh dịch tả lợn châu Phi, phía người nuôi thì tạm thời chưa mạnh dạn tái đàn.

Theo đà tăng của giá lợn hơi, hiện giá nhiều loại thịt lợn cũng tăng khoảng 10.000-20.000 đồng/kg. Giá thịt lợn tại các chợ truyền thống và siêu thị ở thành phố Cần Thơ cũng tăng cao từ đầu tháng 10 và tiếp tục duy trì cho đến nay.

Tại các chợ truyền thống ở quận Ninh Kiều, giá thịt ba chỉ, thịt nạc đùi, nạc dăm, chân giò có giá 90.000 - 110.000/kg, sườn non 140.000 – 150.000 đồng/kg.

Tương ứng, giá thịt lợn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng tăng theo, tùy loại mà giá cao hơn chợ từ 10.000 đồng – 40.000 đồng/kg, đắt nhất là sườn non, gần 200.000 đồng/kg.

Chị Tăng Lệ Hoa (ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều) cho biết, thịt lợn là thực phẩm chính trong bữa ăn hàng ngày của gia đình. Chị thường chọn thịt lợn giết mổ đóng khay của Công ty Vissan được bán trong siêu thị để chế biến món ăn.

“Tháng trước tôi vẫn mua thịt ba chỉ Vissan giá 122.000 đồng/kg thì mấy ngày nay đến quầy thịt đã thấy tăng thêm 10.000 đồng, lên 132.000 đồng/kg”.

“Mỗi tuần gia đình tôi ăn thịt lợn 3 – 4 ngày, giá thịt lên nên tiền chợ cũng tốn nhiều hơn vì các loại thực phẩm khác cũng được đà lên theo giá thịt”, chị Hoa nói.

Nhiều tiểu thương và doanh nghiệp kinh doanh thịt lợn ở thành phố Cần Thơ cho biết, sức tiêu thụ thịt lợn trên thị trường vẫn đang ở mức bình thường, nguồn cung vẫn đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng.

Song, khả năng tới đây nguồn cung thịt lợn hơi có thể bị ảnh hưởng và giá sẽ còn tăng do có sự dịch chuyển lợn từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long đem đi tiêu thụ tại các nơi có giá cao hơn.

Theo ông Lý Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (C.T.C), hiện mỗi ngày Xí nghiệp chế biến thực phẩm 1 thuộc C.T.C giết mổ và cung ứng ra thị trường khoảng 500 con lợn/ngày đêm.

Lượng thịt lợn cung ứng ra thị trường đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng, không có tình trạng khan hiếm hàng.

Tuy nhiên, hiện nguồn cung lợn hơi nuôi trên địa bàn thành phố giảm, nên công ty phải thu mua lợn hơi từ các tỉnh khác trong vùng.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, có khả năng tại Cần Thơ sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm thịt lợn vào dịp cuối năm.

Theo ông Nhơn, đến nay, chỉ những cơ sở chăn nuôi lợn chưa từng xảy ra dịch tả lợn châu Phi mới được phép tiếp tục nuôi còn ngành nông nghiệp vẫn chưa có chủ trương cho phép tái đàn.

Đối với những nơi từng xuất hiện dịch bệnh thì ngành thú y vẫn đang rà soát các điều kiện, nếu đảm bảo thì mới cho tiếp tục tái đàn.

Trước khả năng khan hiếm nguồn cung trong những tháng cuối năm, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cảnh báo thịt lợn nhập lậu, kém chất lượng có thể xuất hiện tại Cần Thơ.

Ông Nhơn đề nghị, các ngành chức năng của thành phố tăng cường phối hợp với ngành nông nghiệp trong thanh tra, kiểm tra xử lý những trường hợp kinh doanh không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán 2020 của thành phố, bắt đầu từ ngày 1/11/2019 kéo dài đến 31/3/2020.

Theo đó, giá bán của các mặt hàng trong chương trình phải đảm bảo luôn thấp hơn các mặt hàng cùng chủng loại, chất lượng và cùng thời điểm trên thị trường ít nhất 5% trong thời gian thực hiện chương trình.

Đối với mặt hàng thịt lợn, khối lượng tham gia bình ổn trong giai đoạn 1, từ 1/11/2019 – 31/12/2019 là 128 tấn/tháng; giai đoạn 2 từ 1/1/2020 – 31/3/2020 là 153 tấn/tháng.

Tổng khối lượng thịt lợn trong chương trình bình ổn của 2 giai đoạn là khoảng 715 tấn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục