Giá tiêu dùng lõi của Nhật Bản tăng mạnh nhất trong gần hai năm

07:39' - 25/12/2021
BNEWS Giá tiêu dùng lõi của Nhật Bản trong tháng 11/2021 đã tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng nhanh nhất trong gần hai năm qua.
Báo cáo của Chính phủ Nhật Bản cho hay, giá tiêu dùng lõi của nước này trong tháng 11/2021 đã tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng nhanh nhất trong gần hai năm qua, một dấu hiệu cho thấy tác động của lạm phát giá hàng hóa toàn cầu đang gia tăng.

 
Mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI) của Nhật Bản trong tháng 11 vừa qua, không bao gồm thực phẩm tươi sống dễ biến động nhưng lại bao gồm giá dầu, mạnh hơn mức dự báo trung bình của thị trường là tăng 0,4%. Nó đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2/2020 và theo sau mức tăng 0,1% ghi nhận vào tháng 10/2021.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết sự gia tăng này không có khả năng khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sớm rút lại các biện pháp kích thích tiền tệ, giữa bối cảnh lạm phát vẫn còn cách xa mục tiêu 2% của ngân hàng này.

Cũng trong tháng 11 vừa qua, lạm phát giá tiêu dùng 'lõi lõi' của Nhật Bản, không tính giá thực phẩm và năng lượng như thường được sử dụng ở Mỹ, đã giảm 0,6% so với một năm trước đó.

Nhật Bản không tránh khỏi “vòng xoáy” gia tăng lạm phát hàng hóa toàn cầu, với giá bán buôn tăng kỷ lục 9% trong tháng 11/2021 so với cùng kỳ năm trước. Nhưng lạm phát giá tiêu dùng lõi của nước này chỉ dao động quanh mức 0%, do các công ty vẫn thận trọng về việc chuyển chi phí sang người tiêu dùng bởi lo ngại rằng điều đó có thể hạn chế chi tiêu của các hộ gia đình.

BoJ đã duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng vào cuộc họp tuần trước và Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda nhấn mạnh rằng ngân hàng này sẵn sàng giữ lãi suất ở mức thấp, ngay cả khi các ngân hàng trung ương lớn khác đang tìm cách rút dần các biện pháp kích thích liên quan tới khủng hoảng COVID-19.

Nhật Bản đang “tụt hậu” so với nhiều quốc gia khác trong việc tạo ra sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ từ “cuộc tấn công” của đại dịch hồi năm ngoái, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý III/2021 giảm 3,6%, do chi tiêu tiêu dùng suy yếu và sản lượng công nghiệp bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng đột biến số ca nhiễm COVID-19 và tắc nghẽn nguồn cung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục