Giá tiêu hôm nay 20/10 đi ngang trên cả nước

21:00' - 19/10/2022
BNEWS Giá tiêu hôm nay 20/10 tại các vùng trồng trọng điểm chững lại và đi ngang so với phiên trước đó.

 

Theo khảo sát, giá tiêu hôm nay 20/10 ổn định tại các tỉnh trọng điểm trong nước trong hôm nay. Ghi nhận cho thấy, thị trường nội địa đang giao dịch hồ tiêu trong khoảng 58.500 - 61.000 đồng/kg.

Trong đó, hai tỉnh Gia Lai và Đồng Nai lần lượt có mức giá là 58.500 đồng/kg và 59.000 đồng/kg. Hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cũng duy trì giá thu mua hồ tiêu tại mức 59.500 đồng/kg.

Tương tự, giá tiêu hôm nay 20/10 tại hai tỉnh Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu đi ngang ở mức tương ứng là 60.500 đồng/kg và 61.000 đồng/kg.

Dưới đây là bảng giá tiêu mới nhất trong nước hôm nay 20/10/2022. Đơn vị: đ/kg 

Tỉnh/huyện (khu vực khảo sát)Giá thu mua (Đơn vị: VNĐ/kg)Thay đổi so với hôm qua (Đơn vị: VNĐ/kg)
Đắk Lắk59.500-
Gia Lai58.500-
Đắk Nông59.500-
Bà Rịa - Vũng Tàu61.000-
Bình Phước60.500-
Đồng Nai59.000-

 

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành nước sản xuất hồ tiêu hàng đầu thế giới với năng suất hơn 1.200 kg/ha canh tác, chiếm gần 30% sản lượng thế giới và 50% xuất khẩu toàn cầu, theo Bộ Công thương Việt Nam.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Pháp tăng từ 37,61% năm 2020 lên 40,81% năm 2021. Pháp là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn thứ 4 của Việt Nam tại châu Âu (sau Đức, Hà Lan và Anh).

Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hồ tiêu sang Pháp đạt 2.169 tấn, giảm 49,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Bộ Công Thương cho biết, hiện tại thương lái Trung Quốc và các nhà xuất khẩu hồ tiêu lớn ở Việt Nam đang trong trạng thái chờ đợi. Thời điểm hiện tại, giá hạt tiêu Việt Nam đang kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc, khi các hợp đồng với các nhà nhập khẩu châu Âu và Mỹ đã ký đến cuối năm nay.

Trong vòng 1 tháng qua giá tiêu trong nước của Việt Nam bất ngờ giảm mạnh, xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Trong bối cảnh cả nước sắp bước vào vụ thu hoạch mới, tồn kho tăng cao, thị trường thấp có thể gây hệ lụy nguy hiểm đến ngành hàng này trong trung hạn.

Theo các chuyên gia nhận định, mức giá bán thấp trong khi chi phí tăng cao khiến cho người trồng tiêu không có lãi. Dẫn đến hậu quả là họ không đầu tư cho vụ mới, bỏ hoang, không chăm sóc nhiều vườn tiêu. Điều này khiến cây cối sẽ còi cọc, già cỗi, dẫn đến diện tích trồng tiêu trồi sụt. Tình hình này gây không ít ảnh hưởng đến chính sách phát triển hồ tiêu bền vững của ngành hàng trong trung hạn.

 

 

Thị trường hồ tiêu thế giới

Trên thị trường thế giới, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế đã niêm yết giảm nhẹ giá tiêu xuất khẩu của Brazil, giữ nguyên của Việt Nam trong kho tăng ở thị trường Indonesia.

Những năm gần đây, hồ tiêu Brazil nổi lên như một thị trường cạnh tranh với tiêu Việt. Hồ tiêu Việt Nam đang bị mất thị phần do các thị trường Brazil và Indonesia chào giá cạnh tranh hơn và cước phí vận chuyển cũng rẻ hơn so với Việt Nam.

Tuy nhiên, với riêng thị trường EU, hồ tiêu Brazil ngày càng bị cảnh báo. Năm 2019, EU đã đưa ra 65 thông báo về việc các lô hàng hồ tiêu Brazil có nhiễm vi khuẩn Salmonella, năm 2020 là 66 thông báo, con số tương tự cũng được ghi nhận vào năm ngoái.

Mới đây nhất, vào đầu tháng 10/2022, Hiệp hội Gia vị Châu Âu đã gửi một lá thư cho các thành viên, nêu rõ rằng Ủy ban Liên minh Châu Âu sẽ tăng cường các quy định về hồ tiêu có xuất xứ từ Brazil.

Theo đó, cơ quan chức năng của EU thông báo rằng phát hiện tỷ lệ salmonella dương tính cao trong các lô tiêu đen nguyên hạt từ Brazil. Theo quy định của EU, trong năm 2022, các lô hàng tiêu đen từ Brazil xuất khẩu vào EU phải kèm theo giấy chứng nhận và kết quả phân tích chứng minh không có vi khuẩn Salmonella.

Kể từ năm 2020, EU thực hiện truy quét Ethylene oxide (ETO) trên khắp châu Âu. Trong sản phẩm gia vị, ETO được dùng để giảm khuẩn Salmonella. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, có 41 lô hàng liên quan đến ETO và Salmonella trong tổng số 42 trường hợp bị châu Âu cảnh báo. Đáng chú ý, có đến 40 trường hợp bị cảnh báo Salmonella đến từ tiêu đen của Brazil.

Hạn chế tiêu Brazil vào châu Âu giúp cho tiêu Việt vô hình trung được hưởng lợi ở 2 khía cạnh, giảm bớt đối thủ cạnh tranh ở thị trường khó tính này, và tăng cường nhập khẩu tiêu đen từ chính Brazil.

Lũy tiến từ đầu năm đến hết tháng 9/2022, Việt Nam đã nhập khẩu 29.625 tấn, trong đó tiêu đen đạt 25.940 tấn. Trong đó nhập khẩu từ Brazil đạt 7.717 tấn, tăng 37,3%, đứng thứ hai trong số các quốc gia xuất khẩu tiêu đen sang Việt Nam nhiều nhất.

Cùng với đó, nhu cầu cao từ thị trường Pháp giúp ngành tiêu có nhiều cơ hội lấy lại mức giá hồi đầu năm. Hiệp hội hồ tiêu đánh giá, khi khủng hoảng kinh tế lắng xuống, thị trường Pháp vẫn sẽ tiếp tục là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của doanh nghiệp hồ tiêu Việt Nam, bởi thị phần xuất khẩu tiêu Việt Nam sang Pháp mới chỉ chiếm 10% tổng thị phần xuất khẩu sang EU./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục