Giá vàng có thể lên tới 2.600 USD/ounce trong ngắn hạn

17:06' - 13/09/2024
BNEWS Nhà chiến lược hàng hóa của ANZ Soni Kumari cho biết, giá vàng có thể lên tới 2.600 USD/ounce trong ngắn hạn, vì đà tăng giá đang khá mạnh vào lúc này.
* Giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục

Giá vàng châu Á đã tăng lên mức cao kỷ lục trong phiên ngày 13/9, trong bối cảnh đồng USD suy yếu do triển vọng về quy mô cắt giảm lãi suất lớn vào tuần tới. Trong khi đó, giá palladium tăng hơn 15% trong tuần này.

Khoảng 14 giờ 03 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 2.567,23 USD/ounce, sau khi chạm mức cao kỷ lục 2.570,21 USD/ounce lúc đầu phiên. Kim loại quý này đã tăng khoảng 3% giá trị trong tuần này. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ đã tăng 0,6% lên 2.595,10 USD/ounce.

Đồng USD đã giảm xuống mức thấp của một tuần trong phiên này, khiến vàng - được giao dịch bằng đồng bạc xanh - trở nên hấp dẫn hơn cho các nhà giao dịch nắm giữ đồng tiền khác, khi các nhà đầu tư tranh luận Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản hay 50 điểm cơ bản vào tuần tới.

 

Nhà phân tích thị trường Tim Waterer tại KCM Trade cho biết, bất kể quy mô của đợt cắt giảm lãi suất ban đầu của Fed như thế nào, thì đều cho thấy một chu kỳ bắt đầu nới lỏng tiền tệ có thể kéo dài và thường xuyên, đây là một kịch bản tốt cho các tài sản như vàng, vốn không sinh lợi.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay việc Fed bắt đầu một chu kỳ nới lỏng tiền tệ được chờ đợi từ lâu tại cuộc họp tuần tới là phù hợp khi rủi ro tăng giá đối với lạm phát đã giảm bớt.

Các nhà giao dịch nhận thấy khả năng giảm 50 điểm cơ bản là 41% và khả năng giảm 25 điểm cơ bản là 59%.

Nhà chiến lược hàng hóa của ANZ Soni Kumari cho biết, giá vàng có thể lên tới 2.600 USD/ounce trong ngắn hạn, vì đà tăng giá đang khá mạnh vào lúc này.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,3% lên 30,01 USD/ounce và giá bạch kim tăng 0,7% lên 983,95 USD/ounce. Cả hai kim loại này đều hướng tới mức tăng hàng tuần.

Giá palladium đã tăng 0,4% lên 1.050,50 USD/ounce và hướng đến tuần tăng giá nhiều nhất kể từ tháng 12/2023 do lo ngại về hạn chế xuất khẩu. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Moskva nên xem xét hạn chế xuất khẩu uranium, titan và nickel để trả đũa phương Tây.

Tại thị trường Việt Nam, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 78,5 - 80,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

* Chứng khoán châu Á phần lớn tăng

Các thị trường chứng khoán châu Á phần lớn tăng điểm trong phiên ngày 13/9, “nối gót” đà tăng trên phố Wall trong bối cảnh nhà đầu tư hào hứng chờ đợi sự kiện cắt giảm lãi suất của Fed trong tuần này.

Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,7% xuống 36.581,76 điểm. Chứng khoán Tokyo đã bị tác động bởi đồng yen mạnh lên, có lúc chạm mức 140,65 yen/USD, ghi nhận được kể từ cuối tháng 12/2023 do đồn đoán Fed sẽ cắt giảm chính sách tiền tệ. Đồng yen Nhật Bản đã tăng mạnh kể từ khi chạm mức gần 162 yen/USD hồi tháng 7/2024, điều này khiến các nhà chức trách phải chi hàng tỷ USD để hỗ trợ nó.

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,8% lên 17.373,19 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 0,5% xuống 2.704,09 điểm.

Chứng khoán Sydney, Singapore, Seoul, Wellington, Đài Bắc, Mumbai, và Bangkok cũng giao dịch trong vùng dương.

Nhiều số liệu cho thấy Fed đang giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát, điều đó đã thúc đẩy thị trường chứng khoán sau một tuần đầy biến động trước đó vì lo ngại kinh tế Mỹ suy thoái.

Các nhà giao dịch hiện đang hướng sự chú ý đến quyết định chính sách của Fed, công bố vào ngày 18/9.

Sau khi cắt giảm lãi suất trong thời điểm đại dịch, Fed đã bắt đầu tăng lãi suất trong năm 2022 khi lạm phát bắt đầu tăng. Thể chế tài chính này tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lãi suất đạt mức cao nhất trong 20 năm.

Hiện tại, với dấu hiệu lạm phát giảm và thị trường lao động đang suy yếu, các nhà hoạch định chính sách được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất, với giảm 25 hoặc 50 điểm cơ bản.

Số liệu công bố ngày 12/9 cho thấy giá bán buôn đã tăng 0,2% trong tháng 8/2024 lên 1,7%, giảm so với mức điều chỉnh 2,1% trong tháng trước đó. Tuy nhiên, khi loại bỏ các thành phần biến động như thực phẩm và năng lượng, chỉ số này đã tăng 0,3%, vượt dự báo.

Các số liệu này được công bố một ngày sau tin tức chỉ số giá tiêu dùng đã đạt mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) dự đoán sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tuần tới, dù vậy các nhà đầu tư đang theo dõi quá trình thảo luận sau khi BoJ bất ngờ thông báo tăng lãi suất tại cuộc họp gần đây nhất, gây ra biến động thị trường.

Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 4,64 điểm (0,37%) xuống 1.251,71 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,51 điểm (0,22%) lên 232,42 điểm.

* Giá dầu nới rộng đà tăng

Giá dầu châu Á tăng trong phiên ngày 13/9, nới rộng đà tăng do gián đoạn sản lượng tại vùng Vịnh Mexico, khi bão Francine "đổ bộ" buộc các nhà sản xuất phải sơ tán khẩn cấp.

Khoảng 13 giờ 19 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 32 xu (0,44%) lên 72,29 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 34 xu (0,49%) lên 69,31 USD/thùng.

Nếu đà tăng này được duy trì, hai hợp đồng dầu chủ chốt sẽ phá vỡ chuỗi giảm hàng tuần, mặc dù khởi đầu khó khăn khi giá dầu Brent giảm xuống dưới 70 USD/thùng lần đầu tiên kể từ cuối năm 2021 hôm 10/9. Hiện tại, dầu Brent dự kiến sẽ tăng khoảng 1,7% trong tuần này, còn dầu WTI dự kiến sẽ tăng hơn 2%.

Các nhà sản xuất dầu đã đánh giá thiệt hại và tiến hành kiểm tra an toàn trong ngày 12/9, chuẩn bị khôi phục hoạt động ở Vùng Vịnh Mexico của Mỹ sau khi ước tính thiệt hại nguồn cung do bão Francine được công bố.

Các nhà phân tích của UBS dự báo sản lượng trong khu vực này trong tháng 9/2024 sẽ giảm 50.000 thùng/ngày so với tháng trước, trong khi các nhà phân tích của FGE ước tính giảm 60.000 thùng/ngày xuống còn 1,69 triệu thùng/ngày.

Dữ liệu chính thức cho thấy gần 42% sản lượng dầu của khu vực đã bị ảnh hưởng trong ngày 12/9.

Kỳ vọng về nhu cầu vẫn ảm đạm khi cả Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuần này đều hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu, viện dẫn khó khăn kinh tế ở Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Số liệu hải quan ngày 10/9 cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc thấp hơn trung bình 3,1% trong thời gian từ tháng 1-8/2024, so với cùng kỳ năm ngoái.

Những lo ngại về nhu cầu cũng đã tăng lên ở Mỹ. Giá xăng và các sản phẩm chưng cất của Mỹ giao dịch ở mức thấp nhiều năm trong tuần này, khi các nhà phân tích nhấn mạnh nhu cầu yếu hơn dự kiến tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục