Giá vàng lập đỉnh lịch sử không ảnh hưởng nhiều đến thị trường chứng khoán

12:32' - 08/07/2020
BNEWS Giá vàng liên tiếp tăng mạnh trong thời gian vừa qua và đã vượt mốc hơn 50,3 triệu đồng/lượng trong sáng nay (8/7). Tuy nhiên, giá vàng tăng không ảnh hưởng nhiều tới thị trường chứng khoán.

Giá vàng liên tiếp tăng mạnh trong thời gian vừa qua và đã vượt mốc hơn 50,3 triệu đồng/lượng trong sáng nay (8/7). Dù vậy, theo giới chuyên gia, việc giá vàng tăng không có ảnh hưởng nhiều tới thị trường chứng khoán.

Lúc 9 giờ 30 phút, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 49,93 - 50,35 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Mức giá này tăng 230 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 180 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử giá vàng.

Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng, việc giá vàng tăng hầu như không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, bởi nhu cầu vàng tại Việt Nam không nhiều, nếu có thì chủ yếu là những tổ chức, ngân hàng.

Tuy nhiên, tại Việt Nam sau khi không còn chính sách gửi vàng có lãi (gửi tiết kiệm bằng vàng là hình thức gửi tiết kiệm ngân hàng mà khi đến kỳ hạn, nhà đầu tư được hoàn vốn gốc bằng vàng miếng theo chuẩn của bên ngân hàng, còn phần lãi suất sẽ tính trên giá vàng, phần tiền lãi thì được tính theo giá mua vào và nhận tiền mặt) thì nhu cầu yếu hơn nên mức độ ảnh hưởng đến thị trường không đáng kể.

Ông Lê Ngọc Nam, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng, hiện nay hầu hết các nước lớn đều bơm tiền tương đối mạnh nên các kênh đầu tư, dòng tiền lớn giúp cho thị trường chứng khoán lẫn thị trường vàng đều có cơ hội tăng.

Bên cạnh đó, tại Việt Nam kênh đầu tư chủ chốt là gửi tiết kiệm hiện có lãi suất giảm khá mạnh và liên tục giảm nên hoàn toàn có thể là dòng tiền đã dịch chuyển một phần sang các kênh đầu tư có kỳ vọng sinh lợi tốt hơn như chứng khoán, bất động sản…, thậm chí là vàng.

Trên thị trường chứng khoán, cuối phiên sáng nay (8/7), VN - Index tăng nhẹ 0,96 điểm lên 864,38 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 130,46 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 2.421,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 154 mã tăng giá, 167 mã giảm giá và 75 mã đứng giá.

HNX - Index giảm nhẹ 0,05 điểm xuống 113,66 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 14,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 166 tỷ đồng. Toàn sàn có 58 mã tăng giá, 47 mã giảm giá và 60 mã đứng giá.

Trong rổ cổ phiếu VN30 có 12 mã tăng giá, 16 mã giảm giá và 2 mã đứng giá. Các mã tăng giá là BVH, FPT, MSN, VIC, SSI, SAB… Các mã giảm giá là VNM, VHM, VJC, SBT, PNJ… Tuy nhiên, mức biến động giá của các cổ phiếu trong nhóm VN30 không lớn.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen. Ở chiều tăng giá có SBT, VPB, TPB, MBB, CTG, ACB… Ở chiều giảm giá có EIB, TCB, VCB, BID…

Tại nhóm cổ phiếu dầu khí, GAS tăng tới 1,7%, PVC tăng 1,8%, trong khi PLX giảm 0,5%, POW giảm 0,2%.

Trước đó, thị trường chứng khoán thế giới giảm điểm trong phiên ngày 7/7 do lo ngại về việc các biện pháp phong toả mới và những thông tin kinh tế kém lạc quan đã thúc đẩy hoạt động bán ra chốt lời sau đà tăng mạnh trong phiên trước đó.

Các chỉ số chứng khoán châu Âu rơi xuống vùng đỏ sau khi Uỷ ban châu Âu (EC) đưa ra dự báo tăng trưởng kém tích cực cho Khu vực sử đụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Theo EC, kinh tế khu vực sẽ giảm khoảng 8,7% trong năm 2020 do cuộc khủng hoảng COVID-19.

Chỉ số FTSE 100 của London (Anh) giảm 1,5% xuống 6.189,90 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) hạ 0,9% xuống 12.616,80 điểm, còn chỉ số CAC 40 của Paris (Pháp) để mất 0,7% xuống 5.043,73 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,9% xuống 3.321,56 điểm.

Chứng khoán Phố Wall cũng hoà cùng không khí ảm đạm này, trong đó chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đóng phiên giảm 0,9% xuống 10.343,89 điểm và kết thúc chuỗi ba phiên tăng điểm kỷ lục. Chỉ số công nghiệp Dow Jones để mất 1,5% xuống 25.890,18 điểm, còn chỉ số S&P 500 giảm 1,1% xuống 3.145,32 điểm.

Tâm lý của các nhà đầu tư ở châu Âu và Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi hoạt động bán ra cổ phiếu vào phút cuối trên các thị trường Trung Quốc, mặc dù chứng khoán Thượng Hải khép phiên tăng nhẹ.

Các biện pháp nới lỏng lệnh phong toả và mở lại nền kinh tế là động lực chính thúc đẩy thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 mới tại một số nước tăng lên đã khiến các nhà đầu tư "chùn bước".

Melbourne, thành phố lớn thứ hai của Australia đã tiến hành biện pháp phong toả sau khi số ca mắc COVID-19 tại đây tăng lên.

Các nhà đầu tư cũng đang bắt đầu tập trung vào báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp quý II/2020, dự kiến sẽ được công bố vào tuần tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục