Giá vàng và dầu bật tăng trước khi Mỹ công bố các chỉ số kinh tế

18:06' - 28/11/2023
BNEWS * Giá vàng đạt mức cao nhất trong 6 tháng khi đồng USD giảm
Giá vàng ổn định sau khi chạm mức cao nhất trong 6 tháng trong phiên giao dịch chiều 28/11, do thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kết thúc chu kỳ tăng lãi suất đã khiến đồng USD và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đi xuống.

Giá vàng giao ngay ở mức 2.013,29 USD/ounce vào lúc 15 giờ 17 phút (giờ Việt Nam), sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 16/5. Giá vàng Mỹ giao tháng 12/2023 tăng 0,1% lên 2.013,40 USD/ounce.

Nhà phân tích cấp cao Matt Simpson của City Index cho biết: “Lợi suất trái phiếu Mỹ giảm và kỳ vọng Fed có thể cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến chắc chắn giúp vàng tỏa sáng”.

 
Chỉ số đồng USD dao động gần mức thấp nhất kể từ cuối tháng 8/2023 so với các đồng tiền chủ chốt khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động gần mức thấp nhất trong hai tháng là 4,3630%.

Dữ liệu gần đây cho thấy dấu hiệu lạm phát ở Mỹ chậm lại đã nâng kỳ vọng rằng Fed có thể bắt đầu nới lỏng các điều kiện chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến, trong khi thị trường đang chờ Mỹ công bố chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE - chỉ số đặc biệt có giá trị trong dự báo về lạm phát) vào thứ Năm (30/11) và tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III/2023 (số liệu điều chỉnh) cũng sẽ được công bố vào thứ Tư (29/11).

Tại Việt Nam, vào cuối phiên 28/11, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 72,50 - 73,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

* Giá dầu Brent vượt 80 USD/thùng trước cuộc họp của OPEC+

Giá dầu tăng trong phiên chiều 28/11 với giá dầu Brent chuẩn vượt mức 80 USD/thùng do Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga (còn gọi là OPEC+) có thể gia hạn cắt giảm sản lượng sâu hơn do lo ngại nhu cầu toàn cầu yếu.

Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 72 xu Mỹ (0,9%) lên 80,70 USD/thùng vào lúc 16 giờ 21 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 69 xu Mỹ (0,9%) lên 75,55 USD/thùng.

OPEC+ sẽ tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng trực tuyến vào thứ Năm (30/11) để thảo luận về các mục tiêu sản xuất cho năm 2024. Giá dầu cũng nhận được sự hỗ trợ từ đồng USD yếu khiến dầu rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

* Thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều

Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên chiều 28/11 sau kết quả ảm đạm ở Phố Wall, với kỳ vọng các nhà đầu tư chốt lời trước đồn đoán về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào năm tới. Các nhà giao dịch cũng đang chờ đợi Mỹ công bố số liệu lạm phát quan trọng vào cuối tuần.

Một loạt chỉ số công bố trong những tháng gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại - cũng như mức tăng giá tiêu dùng thấp hơn dự kiến - đã làm thị trường lạc quan rằng Fed đã tăng chi phí đi vay lần cuối cùng trong chu kỳ này.

Chốt phiên 28/11, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,1% xuống 33.408,39 điểm, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,0% xuống 17.354,14 điểm và chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,2% lên 3.038,55 điểm.

Thị trường Singapore và Mumbai cũng giảm điểm, trong khi Sydney, Seoul, Wellington, Đài Bắc, Manila, Bangkok và Jakarta tăng điểm.

Ngoài chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) được theo dõi chặt chẽ, các nhà đầu tư sẽ chú ý đến một số chỉ số khác trong tuần này, bao gồm niềm tin của người tiêu dùng và GDP.

Tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 28/11, VN-Index tăng 7,377 điểm lên 1.095 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 682 triệu đơn vị, tương ứng gần 14.060 tỷ đồng. Toàn sàn có 290 mã tăng giá, 210 mã giảm giá và 100 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 0,5 điểm lên 224,39 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 81 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.456 tỷ đồng. Toàn sàn có 84 mã tăng giá, 68 mã giảm giá và 79 mã đứng giá.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục