Giá xăng dầu tăng cao, nông dân lưỡng lự việc nuôi tôm

17:07' - 20/03/2022
BNEWS Giá xăng tăng mạnh gần chạm ngưỡng 30.000 đồng/lít đã tác động mạnh đến nhiều ngành, nghề kinh tế; trong đó, có ngành sản xuất tôm.

Bởi xăng dầu là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng của tất cả các ngành, lĩnh vực. Điều này khiến cho ngành tôm cũng trở nên lưỡng lự khi bước vào vụ thả nuôi mới.

* Nghịch lý ngành tôm

Xăng dầu tăng giá trong những tháng qua đã gây ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu vật tư đầu vào cho ngành nuôi tôm cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

 

Thức ăn thủy sản tăng, chi phí cải tạo ao nuôi tăng và nhiều chi phí khác cũng đội giá đi lên khiến cho ngành tôm phải "cõng" thêm 10% chi phí đầu vào.

Trong trường hợp giá tôm nguyên liệu tăng theo thì người nuôi xem như không chịu sự biến động. Tuy nhiên, giá tôm nguyên liệu không đi theo hướng của vật tư đầu vào mà theo hướng nhu cầu của thị trường toàn cầu nên xảy ra nhiều nghịch lý trong ngành tôm.

Theo ông Long Văn Nghĩa, ngụ tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, với việc giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí vận chuyển thức ăn nuôi tôm, vật tư đầu vào tăng theo. Trung bình người nuôi tôm phải chịu chi phí tăng thêm từ 7 - 10%.

Thêm vào đó, những hộ đang nạo vét, cải tạo ao nuôi cũng chịu ảnh hưởng mạnh từ đợt tăng giá xăng dầu. Trung bình một chiếc xe cuốc đất mỗi ngày tốn khoảng 120 lít dầu, trong khi đó giá dầu tăng cao buộc đơn vị thi công phải lên giá. Chính vì vậy, chi phí cải tạo ao tăng thêm khoảng 20%.

Theo kinh nghiệm của những người nuôi tôm, sau Tết Nguyên đán, người nuôi tôm sẽ tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao, vuông, chuẩn bị mọi điều kiện cho vụ nuôi mới. Tuy nhiên, với việc giá xăng dầu tăng cao kéo theo chi phí thuê xe cơ giới cải tạo tăng theo khiến nhiều hộ chưa dám tái vụ.

Ông Hà Văn Nhiên, ngụ tại thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau chia sẻ, hiện nay nhiều hộ nuôi tôm nhỏ lẻ ở địa phương chưa dám tái vụ vì chi phí đầu vào như: thức ăn, thuốc... tăng cao, trong khi giá tôm thương phẩm lại sụt giảm đáng kể.

Cụ thể, tôm sú qua ướp đá loại 30 con/kg có giá khoảng 170.000 đồng/kg (tôm sú oxy có giá khoảng 220.000 đồng/kg), còn tôm thẻ loại 30 con/kg có giá khoảng 155.000 đồng/kg, loại 40 con/kg có giá khoảng 140.000 đồng/kg. So với thời điểm trước đó, giá tôm sú giảm từ 30.000 - 50.000 đồng/kg; tôm thẻ giảm khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg.

Vật tư xăng dầu tăng cao khiến những ngành nghề phụ trợ nuôi tôm cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Anh Bùi Quốc Việt, ngụ xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau cho biết, anh đầu tư xe cuốc để nhận cải tạo ao tôm cho các hộ nuôi.

Thế nhưng, với tốc độ tăng giá 4.000 đồng/lít dầu khiến anh phải mất thêm chi phí 30 triệu đồng tiền dầu để cải tạo một ha ao tôm. Lúc này cả người cải tạo ao tôm và người thả nuôi đều khó bề xoay sở với giá xăng dầu tăng cao nên anh nhận làm không công cho vài hộ nuôi rồi nghỉ.

* Thị trường như "quả bom" nhu cầu

Nghịch lý trong ngành sản xuất, chế biến tôm không chỉ mới diễn ra mà vốn dĩ đã tồn tại từ lâu trong các ngành nghề. Hiện người nuôi tôm trong nước đang lưỡng lự thả nuôi vì giá đầu vào cao, giá tôm nguyên liệu có dấu hiệu giảm. Thế nhưng, nhu cầu tiêu dùng tôm thế giới lại dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong năm 2022, Mỹ vẫn là thị trường có nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam lớn nhất trong tất cả các thị trường. Với sự hồi phục nhu cầu của chuỗi HORECA (nhà hàng, khách sạn và dịch vụ) và thế mạnh tôm chế biến, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2022 sẽ tiếp tục tăng.

Chính những dự báo này, thị trường tôm thế giới năm 2022 được dự báo như "quả bom" nhu cầu sau những biến cố ứng phó dịch bệnh và phục hồi kinh tế của các quốc gia.

Còn ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta nhận định, thị trường năm 2022 vẫn còn phụ thuộc vào tình hình và khả năng khống chế dịch bệnh COVID-19 của các quốc gia trên thế giới.

Nếu dịch bệnh giảm dần, các hoạt động du lịch, dịch vụ mở cửa trở lại và tăng lên, song hành với các mảng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, quán ăn hoạt động tích cực thì mức tiêu thụ tôm sẽ cao hơn. Khi đó nhu cầu sản phẩm tôm của người tiêu dùng sẽ thực sự bùng phát.

Qua những phân tích đó, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2022 sẽ tăng từ 10 - 12%, kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 4 tỷ USD; trong đó, tăng trưởng do yếu tố giá từ 7 - 10%, tăng trưởng sản lượng từ 2 - 5%, ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh.

Trước những yếu tố thị trường thế giới có lợi cho con tôm Việt Nam nói chung và người nuôi tôm nói riêng, các địa phương đã nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cả người nuôi tôm khi giá vật tư đầu vào tăng cao như hiện nay.

Chủ tịch UBND các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau đã yêu cầu các sở, ngành chức năng và các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra việc cung ứng, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời, ngành nông nghiệp hai địa phương này cũng đẩy mạnh những hình thức liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác để hình thành vùng sản xuất tập trung, làm đầu mối liên kết, giảm trung gian, hạ giá thành sản xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục